Thị trường hải sản khô yên ắng lạ thường
Cung cầu đều giảm mạnh khiến thị trường hải sản khô phục vụ mùa Tết năm nay khá trầm lắng.
Phơi cá thiều làm hàng khô phục vụ thị trường Tết ở cơ sở của bà Nguyễn Thị Bích Vân (KP Phước Điền, TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ). |
Cung, cầu đều giảm
Theo các cơ sở chế biến hải sản khô trên địa bản tỉnh, chưa bao giờ thị trường hải sản khô phục vụ mùa Tết lại yên ắng như năm nay.
Ông Hồ Trường Thạnh có cơ sở làm cá khô ở KP.Phước Điền, TT.Phước Hải (huyện Đất Đỏ) cho biết, mọi năm trước Tết khoảng một, hai tháng, đơn đặt hàng hải sản khô cho thị trường Tết đã dồn dập thì năm nay chỉ lưa thưa vài đơn.
“Thị trường năm nay giảm sút mạnh, chỉ bằng 20-30% năm ngoái làm chúng tôi cũng không dám chuẩn bị hàng. Những năm trước giờ này tôi đã chuẩn bị vài tấn hải sản khô các loại nhưng năm nay chỉ còn khoảng 800kg, vì tới giờ chỉ mới có 2 đơn đặt hàng”, ông Thạnh nói.
Cùng khu phố với ông Thạnh, cơ sở làm cá khô của bà Sáu Huệ cũng đang phơi vài trăm ký cá đù, cá hố, trong khi mọi năm là cả tấn. Bà Sáu Huệ cho biết, cơ sở bị đứt nguồn đặt hàng từ Bình Dương, Đồng Nai do nhiều DN không mua quà tết tặng công nhân như mọi năm.
“Không chỉ mùa Tết, trong cả năm nay nhu cầu hải sản khô giảm mạnh, hàng làm ra không có người mua. Tôi đã lỗ hơn 300 triệu đồng trong năm nay”, bà Sáu Huệ nói.
Không chỉ nguồn cầu giảm mà nguồn cung hải sản cũng giảm. Ông Võ Văn Ê, chủ cơ sở hải sản khô Ê Nguyệt ở ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cho biết, năm nay thời tiết khắc nghiệt, gió mùa đông bắc thổi mạnh khiến ghe tàu ở Phước Tỉnh phải vào bờ nghỉ Tết sớm nên nguồn cung khan hiếm.
Các mặt hàng hải sản khô phục vụ mùa Tết 2024 ở doanh nghiệp Ngọc Quỳnh (phường 2, TP.Vũng Tàu). |
“Mọi năm còn có nhà hàng, khách sạn ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh đặt hàng nhưng năm nay yên ắng quá. Đã không có bao nhiêu khách mua, nguồn hàng lại không có, giá tăng nên năm nay tôi chỉ bán khoảng 1 tạ tôm khô, mực khô, còn lại là nghỉ Tết, trong khi mọi năm mức tiêu thụ có thể lên đến 1-2 tấn”, ông Ê thông tin.
Doanh nghiệp tìm nguồn hàng tốt
Do khan hiếm nguồn hàng nên giá hải sản khô theo đó cũng tăng khoảng 15-20%. Theo các cơ sở hải sản khô, nếu năm ngoái giá mực khô loại 7-9 con/kg có giá 1 triệu đồng/kg thì năm nay tăng lên 1,15-1,2 triệu đồng/kg. Mực khô loại 14-15 con/kg có giá 700-800 ngàn đồng/kg (tăng 100-150 ngàn đồng). Tôm khô giá từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/kg tùy loại. Các loại khô cá đù, cá hố, cá thiều nhỏ xẻ, nguyên con, tẩm gia vị cũng tăng khoảng 10-15%, hiện có giá từ 80-150 ngàn đồng/kg.
Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 4.603 tàu cá, trong đó tàu cá khai thác vùng khơi có 2.754 chiếc (chiếm 59,8%), có 7 DN, 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản, 334 tổ hợp tác đoàn kết đánh bắt trên biển với 2.215 phương tiện. Sản lượng đánh bắt trong năm 2023 ước thực hiện đạt 364.820 tấn (tăng 2,56% so với cùng kỳ). Giá trị sản xuất khai thác thủy sản ước đạt hơn 29.386 tỷ đồng (tăng 4,6% so với cùng kỳ). |
Để tìm nguồn hàng có giá tốt, các cơ sở, DN phải lấy hàng từ Kiên Giang, Bình Thuận, Bình Định hoặc mua hàng tận gốc, từ các ghe đánh bắt xa bờ chuyển về. Bà Huỳnh Thị Mộng Thúy, chủ DN hải sản Ngọc Quỳnh (phường 2, TP.Vũng Tàu) cho biết, ngoài ghe nhà, hải sản mà cơ sở bà mua về làm hàng khô đều mua tận gốc từ các tàu cá đánh bắt xa bờ vừa cập bến, bỏ qua các khâu trung gian, thương lái hay đại lý. “Hải sản đều là hàng tuyển, được lựa kỹ càng từng con ngay tại cảng khi ghe tàu về nên không những có giá rẻ hơn mà chất lượng cũng bảo đảm”, bà Thúy cho biết.
Ngoài ra, để thu hút khách hàng, DN Ngọc Quỳnh cũng tăng cường quảng bá trên các kênh bán hàng online như Facebook, Shopee,... Bà Thúy cũng đẩy mạnh việc chào ra thị trường năm nay combo, giỏ hàng Tết làm quà tặng. Combo, giỏ quà tặng có thể gồm 3 hoặc nhiều loại hải sản khô như cá thu một nắng, mực một nắng, tôm khô, mực khô, cá chỉ vàng, cá đù... với các trọng lượng khác nhau, có giá từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng.
Bài, ảnh: NGỌC MINH - THANH QUANG