Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp

Thứ Tư, 03/01/2024, 19:26 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 ngành NN-PTNT. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.

Năm 2023, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Cả nước có 6.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); trong đó, 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; gần 20.500 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 20.301 tỷ đồng, tăng 4,05% so với năm 2022; 47/47 xã đã đạt chuẩn NTM; 31/47 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 6/8 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao. Tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận 2 huyện này đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. 117 sản phẩm nông nghiệp của 68 chủ thể đã được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kết thúc năm 2023, kinh tế cả nước đã vượt “cơn gió ngược” để thu được những kết quả tích cực, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn về an ninh lương thực hiện nay, Việt Nam vẫn thực hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm an ninh lương thực. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, cần quyết liệt, khắc phục mọi khó khăn để đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2024. Trong đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành có liên quan đến nông nghiệp.

Chủ động đề xuất với lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, kịp thời tháo gỡ khó khăn; thúc đẩy chuyển đổi tư duy nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; nâng cao trình độ, chuyên môn cho nông dân; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, tăng cường giao dịch qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và đa dạng hóa sản phẩm, định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh xây dựng chương trình OCOP, qua đó tiếp tục khẳng định giá trị, thương hiệu của quốc gia…  

ĐÔNG HIẾU

;
.