Minh bạch thông tin nhờ nhật ký khai thác điện tử

Thứ Tư, 03/01/2024, 19:10 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều ngư dân đang tích cực áp dụng ghi nhật ký khai thác điện tử để minh bạch thông tin và không hồi ký, góp phần quan trọng gỡ “thẻ vàng” EC.

Ông Nguyễn Trung Khương, thuyền trưởng tàu cá BV 95807 TS (cảng Bến Lội, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) thực hiện thao tác ghi nhật ký khai thác điện tử.
Ông Nguyễn Trung Khương, thuyền trưởng tàu cá BV 95807 TS thực hiện thao tác ghi nhật ký khai thác điện tử.

Khắc phục nhược điểm ghi tay

Ông Nguyễn Trung Khương, thuyền trưởng tàu BV 95807 TS (cảng Bến Lội, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cho biết, tàu của ông đã gắn thiết bị ghi nhật ký khai thác điện tử hơn 3 tháng. Việc chuyển hình thức ghi này không gây nhiều khó khăn cho ông vì các thao tác trên máy được chỉ dẫn rõ ràng.

“Thiết bị tự động lưu lại tọa độ khai thác của tàu cá trên biển theo từng mẻ lưới nên chúng tôi dễ dàng khai báo sản lượng theo mã số ID riêng của từng tàu. Thao tác bằng nút bấm số trên thiết bị đơn giản như nút bấm điện thoại”, ông Khương cho biết.

Sau đó, thuyền trưởng Nguyễn Trung Khương chuyển báo cáo nhật ký khai thác về bờ hàng ngày cho cơ quan quản lý ở cảng cá qua sóng điện thoại di động 3G. Cảng cá sẽ in báo cáo khi tàu cập bến theo phần mềm thiết kế dựa trên quy chuẩn mẫu báo cáo của EC nên thuận tiện cho ngư dân. Dữ liệu được lưu trên thẻ nhớ, máy tính của cơ quan quản lý dễ dàng truy xuất, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Cư, thuyền trưởng tàu BV 94666 TS (cảng Incomap, TP.Vũng Tàu) lại thực hiện ghi nhật ký khai thác điện tử qua App điện thoại thông qua thiết bị định vị kiêm giám sát hành trình. Lúc đầu do chưa quen với công nghệ mới còn khá lúng túng, nhưng sau đó ông đã thành thục hơn và nhận thấy nhiều điểm lợi so với ghi tay. “Máy kết nối với thiết bị giám sát hành trình nên việc ghi nhận tọa độ, thời gian thả lưới, thu lưới khớp với nhau, trong khi trước đó việc ghi tay thường không chính xác. Việc ghi nhật ký điện tử cũng giải quyết được các vấn đề hồi ký, chữ xấu, bị nhòe phải nhờ người viết lại hay ghi thiếu mục này, loài kia”, ông Cư chia sẻ.

Cần thực hiện thống nhất, đồng bộ

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT về kết quả thanh tra lần thứ tư của EC về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam, việc quản lý sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa tốt, còn nhiều lỗ hổng chưa được kiểm soát. Việc ghi nhật ký khai thác mới đạt khoảng 50% số tàu cá, còn nhiều sai sót, mang tính đối phó, hồi ký.

EC khuyến nghị Việt Nam khẩn trương triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thống nhất, đồng bộ, liên thông và không được phép sửa đổi; yêu cầu các cảng cá phải cập nhật hàng ngày dữ liệu sản lượng thủy sản khai thác. Do đó, đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà ngành thủy sản phải đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, chi cục đang đẩy mạnh việc thực hiện nhật ký khai thác điện tử cho các tàu cá. Trước mắt, chi cục sẽ chọn một nhà cung cấp dịch vụ và cho triển khai thí điểm một số tàu cá thực hiện trong quý I/2024. Tuy nhiên, chi cục cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết bị nhật ký khai thác điện tử để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong cả nước.

Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với các tàu cá có chiều dài dưới 24m ghi không đúng hoặc ghi không đủ nhật ký khai thác, nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản theo quy định. Nếu không ghi hoặc không nộp nhật ký thì mức phạt lên đến 20-30 triệu đồng/trường hợp; với các tàu cá có chiều dài từ 15-24m thì mức phạt này là từ 40-50 triệu đồng tùy quy mô tàu cá.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho hay, trong quý IV/2023, cục đã cho triển khai thí điểm việc áp dụng nhật ký khai thác điện tử ở tỉnh Bình Định, sau đó mở rộng trên cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn do ngư dân quen ghi tay hàng chục năm nay, trình độ lại hạn chế nên việc chuyển đổi, tiếp cận công nghệ mới khá chậm.

Ông Trần Đình Luân cho biết thêm, muốn triển khai việc áp dụng nhật ký khai thác điện tử, ngành phải mở các đợt tập huấn tập trung với quy mô lớn nhưng thuyền trưởng tàu cá thường theo tàu đánh bắt nhiều tháng trời trên biển nên khó tập hợp được cùng một thời điểm. Ngành lại thiếu kinh phí thực hiện. Cục Thủy sản đang xây dựng lại quy trình, kế hoạch để đẩy mạnh việc áp dụng nhật ký khai thác điện tử trong thời gian tới.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

;
.