Không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết ngành Ngân hàng năm 2023 và định hướng nhiệm vụ năm 2024, diễn ra sáng 8/1 tại Hà Nội.
Khách hàng giao dịch tại BIDV Phú Mỹ. |
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Báo cáo tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị; ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao. Trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp; DN gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm.
Trước những khó khăn đó, NHNN đã đưa ra các giải pháp điều hành và đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Đồng thời, chỉ đạo các Tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí, áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới của NHTM giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022.
Đặc biệt, nhiều chương trình tín dụng được triển khai nhằm thực hiện tốt chính sách xã hội, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, đến cuối năm 2023, tín dụng tăng 13,71% so với cuối năm 2022.
Nhận định, năm 2024, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế; hoạt động ngân hàng có tính khoa học, tính đại chúng và cũng rất nhạy cảm, tác động lan tỏa, liên quan mật thiết tới tâm lý người dân và các vấn đề xã hội. Do đó, hoạt động ngân hàng cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực, tổ chức thực hiện phù hợp để hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, an toàn, bền vững, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2023, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước trong bối cảnh tình hình gặp nhiều khó khăn, thách thức.
|
Thực hiện tốt vai trò kênh dẫn vốn phục vụ phát triển kinh tế
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của NHNN Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương, NHNN chi nhánh tỉnh đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách, giải pháp trong hoạt động, đảm bảo duy trì phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả. NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán.
Tính đến cuối tháng 12/2023, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 179.800 tỷ đồng, tăng 5,94% so với cuối năm 2022; đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt khoảng 168.300 tỷ đồng, tăng 9,98%.
Về việc cho vay theo chính sách Nhà nước của NHCSXH, tính đến cuối tháng 12/2023, dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách đạt 4.282 tỷ đồng, tăng 13,58% so cuối năm 2022; dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 48.800 tỷ đồng, tăng 6,02%; dư nợ cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 9,56%.
Các TCTD trên địa bàn quyết liệt thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của NHNN và Hội sở, tiếp tục kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%/năm. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD trên địa bàn ước đến cuối tháng 12/2023 ở mức 4.200 tỷ đồng, chiếm 2,5% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Các TCTD trên địa bàn cũng thực hiện tốt vai trò kênh dẫn vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương, trong đó trọng tâm là phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình hỗ trợ người dân, DN theo chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh.
Bài, ảnh: PHAN HÀ