.

Để ngư dân không 'né' cảng cá chỉ định

Cập nhật: 17:44, 08/01/2024 (GMT+7)

Số lượng hải sản bốc dỡ qua cảng cá chỉ định trên địa bàn tỉnh đang ngày càng giảm sút, gây ra những khó khăn trong việc kiểm soát sản lượng, truy xuất nguồn gốc và vi phạm các quy định chống khai thác IUU. Để chấn chỉnh việc này, tỉnh đang triển khai đồng bộ những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Tàu vận tải BV 92938 TS chuẩn bị nguyên liệu trước khi ra khơi tiếp tế cho các tàu cá ở cảng Tân Phước, huyện Long Điền.
Tàu vận tải BV 92938 TS chuẩn bị nguyên liệu trước khi ra khơi tiếp tế cho các tàu cá ở cảng Tân Phước, huyện Long Điền.

Sản lượng hải sản về cảng giảm mạnh

Ông Trương Văn Sanh, Phó Giám đốc cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu) cho biết, trong năm 2023 số lượt tàu rời cảng là 1.563 tàu, cập cảng 1.546 tàu. Trong đó có 806 tàu bốc dỡ hải sản với tổng sản lượng 23.749 tấn. Số lượng tàu bốc dỡ hải sản qua cảng Cát Lở chỉ chiếm 52% số lượng tàu cập cảng, còn lại chủ yếu là tàu vào tiếp tế nguyên liệu, tránh gió bão, từ đó làm giảm mạnh sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng. Nếu năm 2021 đạt bình quân khoảng 4.000 tấn/tháng thì năm 2023 giảm chưa tới 2.000 tấn/tháng.

Lực lượng Đồn Biên phòng Phước Hải kiểm tra giấy tờ tàu cá theo quy định IUU tại Cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ).
Lực lượng Đồn Biên phòng Phước Hải kiểm tra giấy tờ tàu cá theo quy định IUU tại Cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ).

Tương tự, các cảng cá khác cũng có sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng giảm sút. Nguyên nhân là do phần lớn các tàu cá gửi hoặc bán hải sản cho tàu vận tải sau vài ngày đánh bắt/lần để chuyển cá về đất liền được tươi mới. Tàu cá tiếp tục ở lại biển đánh bắt, đến 2-3 tháng mới về cảng tiếp tế nguyên liệu. “Ngoài ra, còn do nguyên nhân các tàu cá “né” không về cảng chỉ định có kiểm tra chống khai thác IUU nghiêm ngặt, để vào các cảng tự phát hoặc cập cảng ngoài tỉnh”, ông Trần Đăng Đức, Trưởng Văn phòng đại diện nghề cá số 2, cảng Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) cho biết.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, trong năm 2023 có 9.061 lượt tàu cá cập cảng để bốc dỡ hải sản trên tổng số 21.824 lượt tàu cá cập cảng và rời cảng. Sản lượng hải sản bốc dỡ mà các cảng cá giám sát được trong năm 2023 là 92.251 tấn, trong khi tổng sản lượng thủy sản khai thác ước thực hiện là 364.820 tấn, đạt 25,2%.

Bốc dỡ, phân loại hải sản ở cảng Hưng Thái (huyện Long Điền).
Bốc dỡ, phân loại hải sản ở cảng Hưng Thái (huyện Long Điền).

Đây là một tỷ lệ rất thấp mà Đoàn thanh tra của EC đã cảnh báo trong lần thanh tra thứ tư vào tháng 10/2023 (tại thời điểm kiểm tra các tỉnh, thành chỉ đạt được từ 20-25%) và yêu cầu Việt Nam phải đạt được 100% trong lần thanh tra thứ năm, dự kiến trong cuối quý II/2024. EC đã chỉ ra thêm một nguyên nhân mà tàu cá không cập cảng chỉ định là việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là tại các cảng cá còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ. Từ đó có khoảng 50% tàu cá cập cảng cá tư nhân, bến cá tại địa phương, không cập cảng chỉ định để bốc dỡ hải sản khai thác dẫn đến không kiểm soát được sản lượng và truy xuất nguồn gốc, vi phạm các quy định chống khai thác IUU.

Phải đồng loạt thực hiện

Để tăng sản lượng hải sản về cảng theo khuyến nghị của EC, Sở NN-PTNT, UBND tỉnh đã lên kế hoạch chấn chỉnh hoạt động của các cảng cá và công tác phối hợp với các đơn vị hải quân, cảnh sát biển và các tỉnh, thành khác. “Để đạt được tỷ lệ kiểm soát 100% sản lượng thủy sản khai thác theo yêu cầu của EC là một điều rất khó, cần tất cả các tỉnh, thành có biển trên cả nước đồng loạt thực hiện nghiêm túc và có sự phối hợp chặt chẽ. Chứ tỉnh này làm, tỉnh khác buông để tàu cá chạy về đó cập cảng, bốc dỡ hải sản thì rất khó quản lý”, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nói.

Nhân viên VPĐD nghề cá cảng Hưng Thái (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) kiểm tra sản lượng hải sản bốc dỡ của tàu cá vừa cập bến.
Nhân viên VPĐD nghề cá cảng Hưng Thái (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) kiểm tra sản lượng hải sản bốc dỡ của tàu cá vừa cập bến.

Bà Na cho biết, trong quý I/2024, Sở NN-PTNT sẽ có các buổi làm việc lại với các tỉnh bạn như Bình Thuận, Ninh Thuận, Kiên Giang, nơi có nhiều tàu cá Bà Rịa-Vũng Tàu cập cảng để có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc quản lý tàu cá và truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác. Trọng tâm phối hợp là các bên sẽ hợp tác hỗ trợ thông tin cho nhau về các trường hợp tàu cá tỉnh bạn cập bến cảng cá tỉnh mình, sản lượng hải sản bốc dỡ và việc xử lý các vi phạm IUU nếu có.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 21/11/2023 giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai kiểm tra rà soát, chấn chỉnh công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại tất cả các cảng cá trên địa bàn tỉnh và công tác chứng nhận nguồn gốc thủy sản tại Chi cục Thủy sản, đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên (hiện có 2.754 tàu) bốc dỡ sản phẩm khai thác tại cảng phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời chỉ đạo thành lập Tổ công tác rà soát các DN xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu bảo đảm hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu đủ căn cứ xử lý hình sự); đặc biệt tập trung vào các lô hàng đối với các loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/3/2024.

Ngoài ra, để chấn chỉnh việc quản lý tàu cá ra vào cảng và sản lượng hải sản bốc dỡ qua các cảng cá, UBND tỉnh đã có kế hoạch lắp đặt camera giám sát bốn phía cảng cá, có tầm quét trong vòng bán kính 2km. Chi cục Thủy sản sẽ đối chiếu số lượng tàu cá ra vào cảng và sản lượng hải sản bốc dỡ trong ngày với số liệu cảng cá báo cáo lên. “Nếu cảng cá nào không quản lý, kiểm soát tốt sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng, để sai phạm quy định chống khai thác IUU trong truy xuất nguồn gốc, sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho đóng cửa cảng cá đó. Các trường hợp cảng cá có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra ngay lập tức ”, bà Phạm Thị Na nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

.
.
.