Kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch

Thứ Tư, 10/01/2024, 18:59 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 10/1, UBND huyện Xuyên Mộc tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. 

Đại diện huyện Xuyên Mộc trao chứng nhận OCOP 3 sao cho các chủ thể.
Đại diện huyện Xuyên Mộc trao chứng nhận OCOP 3 sao cho các chủ thể.

Đa dạng sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Đăng Nhân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc thông tin, huyện Xuyên Mộc có 26 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 4, 3 sao. Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng khá đa dạng và đều chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm; HACCP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Các chủ thể cũng tập trung phát triển vùng nguyên liệu đầu vào tại địa phương và bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy chuẩn, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác. UBND huyện đã phối hợp với Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP của huyện lên các trang mạng thương mại điện tử nhằm quảng bá và thúc đẩy kinh doanh.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông nghiệp và dược liệu Phong Thảo (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) chuyên trồng và chế biến sản phẩm từ trái nhàu có vùng nguyên liệu rộng khoảng 70ha. Ông Nguyễn Cao Thắng, đại diện công ty cho biết, công ty có 2 sản phẩm gồm nhàu khô sấy lạnh và nước cốt nhàu được công nhận OCOP 4 sao. Các sản phẩm chế biến từ trái nhàu của công ty đã có mặt tại các các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc… “Khi sản phẩm được công nhận OCOP giúp tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng với sản phẩm chế biến từ trái nhàu. Công ty mong muốn tiếp tục lan tỏa sản phẩm nông sản dược liệu của Bà Rịa-Vũng Tàu vươn xa ra thị trường nước ngoài”, ông Thắng nói.

Huyện Xuyên Mộc phấn đấu đến năm 2025, mỗi xã có ít nhất từ 1-3 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch

Theo ông Trần Văn Thuần, Giám đốc Công ty TNHH TMDV XNK dược liệu Thuần Dương (xã Hòa Hội), việc tham gia các hoạt động xúc tiến đã giúp công ty tìm kiếm, mở rộng thị trường, đồng thời giới thiệu các sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, DN mong muốn huyện là cầu nối để đưa sản phẩm OCOP vào các khu du lịch với nhiều không gian trưng bày, giới thiệu. Qua đó, giúp người dân và du khách biết nhiều hơn đến sản phẩm OCOP của địa phương.

Cho rằng, khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng khi ra về cũng chủ yếu mua các sản phẩm thủy hải sản, ông La Văn Hưng, Phó Giám đốc KDL Hương Phong-Hồ Cốc khẳng định, việc kết nối sản phẩm OCOP tại các khu du lịch là cần thiết. Các DN du lịch sẵn sàng đồng hành, kết nối với các chủ thể OCOP để giới thiệu các sản phẩm đến du khách trong và ngoài nước. Vì đây là kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đến du khách nhanh và hiệu quả nhất.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện.

Huyện Xuyên Mộc có lợi thế về du lịch với nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, tại các điểm, khu du lịch nghỉ dưỡng, quà lưu niệm đa phần là thủ công mỹ nghệ, thiếu các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Vì vậy, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo sự trải nghiệm cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại huyện Xuyên Mộc, địa phương xác định sẽ kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch của huyện.

“Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết và tiêu thụ sản phẩm, phát triển ngành nghề nông thôn để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn; tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP...”, ông Trần Văn Dững, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc thông tin.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.