Với ý tưởng sáng tạo, tìm hướng đi khác biệt, nhiều người đã khởi nghiệp thành công từ mô hình nông nghiệp rất riêng của mình.
Anh Vũ Kim Long (bên phải), KP Kim Hải, phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa) cho biết, giống sung này trồng ở các nước châu Âu cho thu hoạch 1 vụ/năm, còn tại Việt Nam, thời tiết thuận lợi hơn nên cây cho trái quanh năm. |
Thành công với mô hình nuôi dúi
Anh Phùng Văn Hòa (38 tuổi), ở thôn Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đã từ bỏ việc làm ổn định tại Công ty TNHH Quốc tế All Wells Việt Nam (TX.Phú Mỹ) với mức thu nhập khá để về quê lập trang trại nuôi dúi, nuôi heo rừng lai, trồng bơ, tre tứ quý…
Chia sẻ về việc nuôi dúi, anh Hòa cho biết, qua các phương tiện truyền thông, được biết có người ở Lâm Đồng đã đưa con dúi rừng về nuôi thành công, nên quyết định mua mấy cặp dúi giống về nuôi thử nghiệm. Trong quá trình nuôi, anh Hòa không ngừng học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu kiến thức về nuôi dúi… Sau 2 năm, đến nay đàn dúi của anh đã đạt 50 con lớn nhỏ.
Đưa chúng tôi vào thăm khu chuồng nuôi dúi chừng 100m2, cầm trên tay khúc tre, cây mía, anh Hòa cho hay: “Đây là khẩu phần ăn trong một ngày của đàn dúi, thức ăn rất đơn giản, nhưng lại là món khoái khẩu của dúi. So với nuôi dê, nuôi bò thì nuôi dúi khỏe và hiệu quả hơn. Với dúi con thì khẩu phần ăn ít hơn và cần cho ăn thêm bắp để dúi mau lớn”. Hiện anh Hòa đang bán dúi giống với giá 2 triệu đồng/cặp, anh dự định sẽ mở rộng chuồng trại lên 200m2.
Anh Hòa còn sở hữu đàn heo rừng lai hơn 150 con lớn nhỏ, canh tác 1,2ha bơ sáp và tre tứ quý. “Nếu đàn heo này mà mua thực phẩm cho chúng ăn thì mỗi ngày tôi phải tốn cả triệu đồng, nhưng do tận dụng các loại trái cây, rau cỏ trong vườn để nuôi heo, nuôi dúi nên đã đã tiết kiệm được khoản tiền khá lớn trong sản xuất”, anh Hòa cho biết.
Dúi con nuôi khoảng 8 tháng thì có thể xuát bán giống, còn dúi thịt nuôi từ 10 tháng trở lên. |
Bén duyên với cây sung Nam Mỹ
Anh Vũ Kim Long (34 tuổi), ở KP Kim Hải, phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa từng là du học sinh tại Úc với chuyên ngành công nghệ thông tin, nhưng cũng là người rất mê làm nông.
Trong thời gian học tại Úc, anh thường tìm hiểu các trang trại nông nghiệp tại đây và tình cờ biết đến cây sung có nguồn gốc từ Nam Mỹ (tên khoa học là Ficus Carica). Qua tìm hiểu, cây sung Nam Mỹ đã được trồng rất lâu đời và được ưa chuộng ở các nước, nhưng tại Việt Nam giống sung này vẫn là cây lạ, ít người biết đến. Năm 2019, anh quyết định nhập giống về trồng thử nghiệm. Từ vài chục cây trồng thử thành công, trái ăn thơm ngọt, anh đã mạnh dạn nhân rộng diện tích.
Nhờ tỉ mỉ, cần cù, đến nay, anh Long đã có 5 vườn ươm, ghép với số lượng lên đến 15 ngàn gốc sung Nam Mỹ. Từ năm 2022 đến nay, cây sung đã được anh chiết, ghép xuất bán thị trường các nước Trung Quốc, Úc… Riêng với thị trường trong nước, hiện mỗi ngày anh Long có 20 đơn hàng (từ 2-5 cây), giá bán từ 300 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/cây.
“Nếu như sung Việt Nam quả chỉ bằng đầu ngón tay cái, có vị chát thì sung Nam Mỹ quả to, nặng tới 200g/quả, có vị ngọt thanh rất dễ ăn, quả chín sẽ chảy mật ra ngọt đậm đà. Giống sung này ra trái quanh năm và được thị trường ưa chuộng. Trái sung tươi chín có thể làm mứt, sấy khô và nước ép uống”, anh Long chia sẻ thêm.
Nói về dự định sắp tới, anh Long cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, nhân giống nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu mua cây giống của khách hàng trong và ngoài nước. Đồng thời mở điểm tham quan, bán các sản phẩm từ trái sung Nam Mỹ tại trang trại để nhiều người đến thưởng thức.
Bài, ảnh: TẤN HOÀNG-NGUYỄN XA