Cù Bị nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu
Xã Cù Bị (huyện Châu Đức) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2021 và đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Ông Hoàng Tỷ, Chủ tịch UBND xã Cù Bị (giữa), đến tham quan cở sở sản xuất cà phê Việt Yến Phát-với sản phẩm cà phê bột Viba đạt OCOP 3 sao. |
Diện mạo khởi sắc
Chúng tôi đến thăm thôn Hiệp Cường (xã Cù Bị) vào những ngày đầu năm 2024. Nhiều con đường trong thôn trước đây nắng bụi mưa lầy, thì nay đã được trải nhựa phẳng phiu. Các tuyến đường trong thôn gần như đã được thắp sáng mỗi đêm bởi hệ thống đèn điện do người dân đóng góp, lắp đặt. Theo ông Lê Văn Đông, Trưởng Ban điều hành thôn, từ khi có hệ thống đèn chiếu sáng, bà con trong thôn đi lại thuận tiện, tệ nạn trộm cắp giảm đáng kể.
Việc xây dựng NTM được xã xác định là nhiệm vụ có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Bước vào giai đoạn xây dựng xã NTM kiểu mẫu với những yêu cầu nâng cao hơn về các tiêu chí, do đó, công tác vận động, tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức khác nhau đã giúp người dân hiểu được ý nghĩa của chương trình cũng như vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó tích cực tham gia thực hiện cùng địa phương.
Từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã huy động nguồn lực hơn 252 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, người dân và DN đóng góp gần 120 tỷ đồng để cùng chính quyền nâng cấp, mở rộng 79km đường giao thông nông thôn; lắp đặt 31km đường dây điện hạ thế… đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, giao thương của người dân trong vùng.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến, chủ cơ sở sản xuất cà phê Việt Yến Phát phấn khởi nói, nhờ xây dựng xã NTM mà diện mạo của địa phương đổi thay rõ rệt. Giao thông đã kết nối tỉnh Đồng Nai và các địa bàn trong huyện, từ đó việc sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cà phê bột Viba thuận lợi hơn.
Đến nay, 100% đường liên xã, liên thôn, liên tổ đã được bê tông hóa, nhựa hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân. Hơn 93% số hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng nước máy. 95,1% người dân tham gia BHYT. 100% hộ dân có điện lưới sinh hoạt. Các công trình trường học, Trung tâm VH-HTCĐ được đầu tư xây dựng. Nhiều tuyến đường hoa được hình thành, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, đồng thời, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao.
Đến nay, huyện Châu Đức có 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã: Cù Bị, Xà Bang, Nghĩa Thành và Bình Ba đạt NTM kiểu mẫu. Đây là thành quả đáng phấn khởi để huyện tiếp tục khắc phục khó khăn, cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản
|
Đời sống khấm khá
Không chỉ đổi thay về diện mạo, đời sống người dân xã Cù Bị hôm nay còn thực sự khởi sắc sau khi xây dựng thành công xã NTM nâng cao, tiến tới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân của người dân đạt trên 88 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 20 triệu đồng so với thời điểm trước năm 2020. Lao động trong độ tuổi có việc làm chiếm tỷ lệ 97,9%.
Đạt được kết quả trên là nhờ những năm qua, xã Cù Bị đã tập trung các nguồn lực xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ sinh kế, tạo thêm nhiều việc làm. Bên cạnh đó, địa phương còn tích cực vận động nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, xây dựng sản phẩm OCOP…
Trong đó, mô hình sản xuất măng khô của HTX Chòi Đồng đang phát huy hiệu quả kinh tế, giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập. HTX hiện đang liên kết sản xuất với 30 hộ nông dân trên địa bàn/40ha trồng măng. Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất 200kg măng khô (khoảng 5 tấn măng tươi).
Ông Mai Đức Vững, Giám đốc HTX cho biết, sau khi thu gom măng tươi từ các thành viên và của người dân, HTX tiến hành sơ chế sau đó cho vào bịch, hút chân không, đóng gói. Các công đoạn xử lý, sơ chế đều được làm thủ công, tự nhiên, không tẩm ướp hóa chất để làm ra sản phẩm măng khô thơm ngon, an toàn.
“Từ khi đầu tư 5 máy sấy, tổng trị giá 300 triệu đồng thì việc sơ chế, sản xuất măng khô của HTX được thuận lợi hơn, vừa bảo đảm vệ sinh thực phẩm, vừa chủ động được thời tiết. Hiện HTX có 2 sản phẩm là măng sấy khô và măng khô tẩm gia vị ăn liền. Măng khô được cung cấp cho các thương lái trong và ngoài tỉnh”, ông Vững cho biết thêm.
Năm 2023, thông qua các nguồn vận động, Cù Bị đã xây dựng mới 3 căn nhà, sửa chữa 4 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở; vận động trao tặng gần 1.000 phần quà cho người nghèo và các đối tượng chính sách; hỗ trợ cây-con giống… Nhờ lồng ghép hiệu quả, các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững thực hiện theo đúng lộ trình đề ra. Nếu như cuối năm 2022, địa phương còn 24 hộ nghèo, thì đến cuối năm 2023, Cù Bị đã không còn hộ nghèo.
Đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, người dân càng thêm tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ động, đồng thuận đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình tại địa phương; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn trên địa bàn luôn bảo đảm ổn định.
“Với sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, DN, đến nay xã Cù Bị cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu. Chính từ xây dựng NTM, làng quê nghèo khó năm nào giờ đã trở thành làng quê đáng sống”, ông Hoàng Tỷ, Chủ tịch UBND xã Cù Bị cho hay.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG