.

Nuôi heo rừng lai cho thu nhập khá

Cập nhật: 19:10, 03/01/2024 (GMT+7)

Tân dụng các loại thức ăn từ rau cỏ, nhánh thanh long, trái cây… nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) đã có thêm thu nhập từ mô hình nuôi heo rừng lai.

Ông Phan Quốc Dũng cho biết, Tết Nguyên đán 2024, ông chuẩn bị khoảng 30 con heo thịt, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Ông Phan Quốc Dũng cho biết, Tết Nguyên đán 2024, ông chuẩn bị khoảng 30 con heo thịt, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Hút hàng

Đầu năm 2019, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt heo rừng lai trên thị trường cao, ông Phan Quốc Dũng (ấp Trang Định, xã Bông Trang) đã mua 5 con heo giống từ xã Bình Châu về nuôi thử nghiệm. 1 năm sau, thấy heo phát triển tốt, ông mở rộng quy mô chuồng trại để nhân đàn. Đến nay, trại heo nằm dưới tán vườn nhãn đã hơn 100 con lớn nhỏ, trong đó có 14 heo sinh sản và lúc nào cũng có đàn heo thịt hơn 30 con (trọng lượng từ 25-40kg/con).

Ông Dũng cho biết, nuôi heo rừng lai khá đơn giản, ngày cho ăn 2 bữa. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như: nhánh thanh long, bắp, thân chuối, bã đậu nành,… Điều này làm giảm chi phí đầu vào, giúp thịt heo săn chắc, nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Mỗi heo giống đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 5-8 con. Nuôi heo rừng lai gần 1 năm là xuất chuồng, với cân nặng từ 30kg trở lên, lợi nhuận từ việc nuôi heo rừng cao hơn nhiều so với nuôi bò.

Nông dân không nên ồ ạt mở rộng việc chăn nuôi heo rừng lai mà cần tính toán đầu ra ổn định, tránh tình trạng nuôi ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, không có đầu ra, thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Bông Trang

Cách đó không xa, trại heo rừng lai có diện tích hơn 3 sào của nông dân Bùi Văn Cường với gần 200 con. Ông Cường cho biết, năm 2021 ông bắt tay vào nuôi, ban đầu rất khó nhưng sau khi được thuần hóa, heo rừng lai rất dễ nuôi vì ít khi xảy ra dịch bệnh, phù hợp với hộ gia đình và nhàn hơn nuôi bò, dê.

Vì nuôi gối đầu nên lúc nào trại của ông Cường cũng có heo thịt, heo giống để bán. “Thị trường tiêu thụ hiện nay không khó, chủ yếu là khách quen trong huyện, tỉnh điện thoại đặt hàng. Giá heo hơn cân tại chuồng từ 100-110 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được mỗi năm hơn 100 triệu đồng”, ông Cường vui vẻ nói.

Tận dụng đu đủ chín rụng bỏ trong vườn của các nông hộ trên địa bàn xã, ông Bùi Văn Cường nhặt về làm thức ăn cho heo rừng lai.
Tận dụng đu đủ chín rụng bỏ trong vườn của các nông hộ trên địa bàn xã, ông Bùi Văn Cường nhặt về làm thức ăn cho heo rừng lai.

Khuyến khích nông dân phát triển con đặc sản

Theo ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, heo rừng lai nuôi bán thả rông cho thịt săn chắc, thơm ngon, ăn mềm nhưng rất ít mỡ nên rất được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt vào mỗi dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ thịt heo rừng tăng cao không đủ số lượng để bán. Những năm gần đây, nhiều nông dân trong huyện chuyển sang mô hình nuôi heo rừng lai, tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã: Bưng Riềng, Bông Trang, Hòa Bình, Hòa Hiệp, Hòa Hội, Tân Lâm, Bàu Lâm. Riêng xã Bông Trang có 22 hộ nuôi, tổng đàn gần 600 con.

Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã hướng dẫn, vận động hội viên nông dân tham gia các chi, tổ hội nghề nghiệp theo hướng con đặc sản. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã phối hợp với các cấp Hội Nông dân trong huyện, chính quyền địa phương xây dựng chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm chăn nuôi heo rừng lai.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Bông Trang cho biết, mô hình nuôi heo rừng lai vừa tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong vườn của nông hộ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghề chăn nuôi heo rừng lai ở địa phương phát triển ở quy mô đầu tư hộ, nông dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm, việc quảng bá thương hiệu con đặc sản cũng chưa mạnh. Do đó, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để có đầu ra ổn định là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊ NGA

 
.
.
.