CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHỤC HỒI SẢN XUẤT

Bảo đảm nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả

Thứ Sáu, 12/01/2024, 17:45 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 12/1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Chính sách giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội đã giúp các DN trên địa bàn tỉnh  giảm hơn 2.821 tỷ đồng. Trong ảnh: Chế biến cá đục xuất khẩu tại Công ty Tứ Hải (TP.Vũng Tàu).
Chính sách giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội đã giúp các DN trên địa bàn tỉnh giảm hơn 2.821 tỷ đồng. Trong ảnh: Chế biến cá đục xuất khẩu tại Công ty Tứ Hải (TP.Vũng Tàu).

Giảm thuế VAT hơn 2.800 tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã góp phần hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh khắc phục khó khăn, dần khôi phục và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy kinh tế của tỉnh phục hồi và phát triển. Các chính sách hỗ trợ người lao động, HS-SV, người nghèo đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, chính sách về đầu tư phát triển đã góp phần đẩy nhanh việc triển khai các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng, như việc triển khai thực hiện xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, cũng như của tỉnh trong thời gian tới.

Việc triển khai thực hiện các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; chính sách hỗ trợ lãi suất của Nghị quyết 43 cũng đã giúp DN, người dân giảm chi phí kinh doanh.

Cụ thể, kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, đến ngày 8/11/2023 hơn 2.821 tỷ đồng. Giảm phí, lệ phí trong hoạt động hàng hải nội địa đến ngày 31/10/2023 là 10 tỷ đồng. Giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến ngày 31/10/2023 là 90 tỷ đồng.

Gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN; trong đó số thuế gia hạn đã nộp ngân sách nhà nước 74,14 tỷ đồng, số thuế còn phải nộp 1.225 tỷ đồng.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đến nay Ngân hàng CSXH từ tỉnh đến huyện đã phối hợp cùng với các cấp hội, chính quyền địa phương thực hiện 5 chương trình với tổng doanh số cho vay đạt trên 392 tỷ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu vốn mà Ngân hàng CSXH Việt Nam giao. Qua đó đã giúp cho 6.218 lượt lao động vay vốn để duy trì, ổn định và mở rộng việc làm; 807 HS-SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị đủ điều kiện để học trực tuyến; 62 cơ sở giáo dục có điều kiện sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để phục hồi, duy trì hoạt động. Chương trình cũng đã giúp 142 lượt hộ vay mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, sửa chữa nhà để ở.

Còn ít DN được hỗ trợ

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ những thuận lợi và khó khăn nổi bật trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43. Trong đó, nổi bật là vẫn còn nhiều DN chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi vay 2% theo Nghị quyết 43. Nguồn vốn cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội còn thấp, năm 2023 chỉ mới giải ngân được 120 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Ngọc Diêp, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh, DN rất cần tài chính, vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện vay vốn để hỗ trợ lãi suất 2% của các ngân hàng vẫn rất khó, khi đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, nên DN khó tiếp cận.

Tính đến cuối tháng 10/2023, 8 chi nhánh ngân hàng thương mại phát sinh số liệu hỗ trợ lãi suất với doanh số 561,47 tỷ đồng. Số khách hàng được hỗ trợ lãi suất là 12 DN với số tiền 5,22 tỷ đồng, thuộc nhóm ngành vận tải kho bãi, giáo dục-đào tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Giải thích nguyên nhân kết quả hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43 còn thấp, ông Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết, nhiều DN đủ điều kiện, nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, vì hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất (như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) đến 4%.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty DONGJIN GOLBAL (KCN Đất Đỏ).
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty DONGJIN GOLBAL (KCN Đất Đỏ).

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc đánh giá DN vay “có khả năng phục hồi” theo Nghị quyết 43, đặc biệt trong điều kiện DN còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Các ngân hàng chịu sức ép trong việc không thu hồi được nợ, trở thành nợ xấu, nên chưa đẩy mạnh việc cho vay.

Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết 43 của các đơn vị, ban, ngành, từ đó góp phần vào sự phát triển của tỉnh trong 2 năm qua. Tuy nhiên, các chính sách tín dụng, tiền tệ hỗ trợ cho DN trong tỉnh năm 2023 chỉ tăng 10% (cả nước là 13,7%). Bà Nguyễn Thị Yến đề nghị, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề xuất với UBND tỉnh, phối hợp cùng với các ban, ngành và địa phương, rà soát, nắm lại tình hình hoạt động, “sức khỏe” của DN, từ đó có cơ sở cho vay vốn hỗ trợ DN phát triển, phục hồi sản xuất thỏa đáng hơn...

Bà Nguyễn Thị Yến yêu cầu, các đơn vị, ban, ngành, khi thực hiện, triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và các nghị quyết khác của Quốc hội, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm các chính sách, nguồn vốn vay hỗ trợ đến đúng đối tượng, đúng mục đích vay và đạt hiệu quả.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

 
;
.