Xây dựng thương hiệu trong chăn nuôi - nền tảng phát triển chuỗi bền vững

Chủ Nhật, 24/12/2023, 11:19 [GMT+7]
In bài này
.

Để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững, các cơ sở, trang trại chăn nuôi, công ty, DN kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi đã và đang liên kết hỗ trợ nhau xây dựng chuỗi, thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị cho các sản phẩm của ngành và cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cao cho người tiêu dùng.

CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

Xã Tam Phước (huyện Long Điền) được biết đến là vùng nuôi vịt đẻ trứng chủ yếu của huyện Long Điền. Theo số liệu của Hội Nông dân xã Tam Phước, trên địa bàn xã có gần 80 hộ nuôi vịt lấy trứng, với tổng đàn hơn 364 ngàn con. Sản lượng trứng dao động khoảng 140 ngàn quả/ngày. Theo các hộ chăn nuôi vịt đẻ trứng tại xã Tam Phước, trứng vịt Tam Phước được thị trường ưa chuộng là bởi lòng đỏ to, đậm màu, thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng. Để vịt đẻ trứng thường xuyên, cho chất lượng tốt, ngoài cám còn phải mua thêm các loại cá nhỏ, hến, ốc cho vịt ăn.

Trong quy trình nuôi, HTX chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát ứng dụng công nghệ cao, tất cả các khâu giám sát hàng giờ, mọi quy trình chăn nuôi rất minh bạch…
Trong quy trình nuôi, HTX chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát ứng dụng công nghệ cao, tất cả các khâu giám sát hàng giờ, mọi quy trình chăn nuôi rất minh bạch.

Ông Nguyễn Chiêu Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Phước cho biết, sở dĩ trứng vịt Tam Phước có chất lượng hơn hẳn những vùng khác ngoài cách nuôi còn do vịt được nuôi trong vườn rộng, khu vực nuôi thoáng mát, có bóng râm, bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Hội Nông dân xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách phòng trừ dịch bệnh trên đàn vịt, xây dựng chuồng trại thông thoáng giúp vịt đẻ trứng đều. Để nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho trứng vịt Tam Phước, HTX nông nghiệp và Dịch vụ - Thương mại Hà Phát, huyện Long Điền (gọi tắt là HTX Hà Phát) đã được thành lập cuối năm 2022.

Chị Lâm Thị Thu Hà, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Hà Phát cho biết, thương hiệu trứng vịt Tam Phước đã có từ lâu, nhưng do trước đây quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, mạnh ai nấy bán nên thương hiệu trứng vịt Tam Phước trên thị trường vẫn chưa được nhiều người biết đến. Vì vậy, ngoài hỗ trợ thành viên HTX các kỹ thuật trong chăn nuôi, HTX cũng đã đầu tư bao bì, nhãn mác cho trứng vịt Tam Phước. Đồng thời, sản phẩm trứng vịt Tam Phước cũng đã được công nhận OCOP 3 sao cấp huyện. Tới đây, trong nhãn mác trứng Tam Phước, HTX sẽ thay đổi và gắn tem OCOP 3 sao trên sản phẩm.

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát cho biết, HTX đang liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 4 trang trại nuôi gà chuồng lạnh khép kín công nghệ cao với quy mô 720 ngàn con gà nằm trên địa bàn xã Suối Rao, huyện Châu Đức và xã Hoà Hội, huyện Xuyên Mộc. Ngoài liên kết về con giống, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu về đầu ra, trong thời gian nuôi, công ty cử bác sĩ thú y hướng dẫn chủ trang trại cách cho gà ăn và thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại theo đúng quy trình. HTX chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát cũng đang liên kết với các đơn vị như Công ty giống Bel Gà, Công ty TNHH Koyu & Unitek và Công ty TNHH De Hues Hà Lan để sản xuất gà thịt tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

“HTX chủ yếu chăn nuôi xuất khẩu, quy mô của HTX khoảng 3 triệu con/lứa, quản lý rất chặt chẽ, tất cả các khâu giám sát hàng giờ, mọi quy trình chăn nuôi rất minh bạch. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ giảm nhân công, tăng năng suất lên mà còn giúp hạ giá thành sản phẩm, tính cạnh tranh…”, ông Lê Văn Quyết nói.

HÌNH THÀNH CÁC CHUỖI LIÊN KẾT MẪU TRONG CHĂN NUÔI

Có thể thấy, tham gia chuỗi liên kết, không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp, mà còn giúp người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro, thuận lợi về đầu ra mà còn giúp định hình thương hiệu các chuỗi thịt, trứng của tỉnh đến với người tiêu dùng. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND phê duyệt dự án xây dựng chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi tại tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trang trại gà Anh Nguyên (huyện Châu Đức) phát triển chuỗi liên kết khép kín từ con giống, minh bạch quá trình nuôi đến tiêu thụ sản phẩm.. Trong ảnh: Nhân viên trang trại gà Anh Nguyên đóng gói gà thành phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Trang trại gà Anh Nguyên (huyện Châu Đức) phát triển chuỗi liên kết khép kín từ con giống, minh bạch quá trình nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: Nhân viên trang trại gà Anh Nguyên đóng gói gà thành phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng 3 mô hình mẫu về chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi gồm: chuỗi liên kết chăn nuôi heo tại huyện Xuyên Mộc với quy mô 38 ngàn con heo thịt; chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm tại huyện Xuyên Mộc với quy mô 500 ngàn con gia cầm thịt và chuỗi liên kết trứng gia cầm tại Xuyên Mộc - Long Điền - Vũng Tàu với quy mô 200 ngàn con gia cầm đẻ. Từ 3 chuỗi liên kết điểm này sẽ tiến hành hỗ trợ xây dựng và hình thành thêm 16 chuỗi để đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh hình thành và đi vào hoạt động 19 chuỗi liên kết trong chăn nuôi heo, chăn nuôi gia cầm thịt và chăn nuôi gia cầm trứng.

Việc hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bao gồm cung ứng con giống, vật tư, chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ và cung ứng sản phẩm ra thị trường sẽ góp phần gia tăng giá trị cho các sản phẩm của ngành và cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cao cho người tiêu dùng. Hy vọng, thời gian tới Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hình thành thêm được nhiều chuỗi liên kết để giải bài toán khó khăn về đầu ra cho người chăn nuôi, tạo điều kiện giúp ngành chăn nuôi hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.