Xây dựng thói quen chọn thực phẩm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng
Minh bạch và trách nhiệm không chỉ là yêu cầu đối với người sản xuất mà còn là đòi hỏi của người tiêu dùng hiện nay. Đây cũng là vấn đề mà ngành nông nghiệp đang nỗ lực triển khai, bằng việc sản xuất ra sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc.
Gắn thẻ truy xuất nguồn gốc cho gà ri tại trang trại gà của ông Lý Trung Vân, xã Suối Rao, huyện Châu Đức. Ảnh: KIM HỒNG. |
Quan tâm sử dụng sản phẩm có xuất xứ
Những năm gần đây, thay vì mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng đã dành sự quan tâm đối với các sản phẩm an toàn, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý rõ ràng.
Các loại thực phẩm thu hút người tiêu dùng không chỉ ngon, bắt mắt mà còn ở nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng vì khi có thêm yếu tố này sẽ giúp mọi người yên tâm hơn. Chị Hoàng Thanh Huyền, nhà ở chung cư Phoenix, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu cho biết: “Tôi thường mua thực phẩm cho gia đình ở siêu thị và thường có thói quen “check” mã vạch để xem sản phẩm mình mua được sản xuất từ đâu, quy trình như thế nào. Đặc biệt là các loại thịt, rau tôi luôn ưu tiên mua loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong ảnh: Sản phẩm ngũ cốc và đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long (TP. Bà Rịa) được dán mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: KIM HỒNG. |
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm có thể hiểu đơn giản là theo dõi, nhận diện được sản phẩm của một cơ sở sản xuất bất kỳ qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Hay nói cách khác nó chính là khả năng tìm ra nguồn gốc một loại sản phẩm có mặt trên thị trường như: tên sản phẩm, giá cả, nơi sản xuất hay nguồn gốc nguyên liệu tạo ra sản phẩm...
Theo các chuyên gia kinh tế, một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm phải được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, phân phối cho đến bàn ăn. Giấy chứng nhận nhằm tạo lòng tin với người tiêu dùng, nhưng kiểm soát việc thực hiện như thế nào mới là điều quan trọng. Minh bạch thông tin cho thực phẩm sạch không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng mà còn bảo vệ lợi ích cho những người chăn nuôi, trang trại sạch làm ăn chân chính.
Xây dựng chuỗi liên kết
Hiện nay, chuỗi liên kết đang là giải pháp làm thay đổi tất cả những manh mún, đứt gãy trong sản xuất nông nghiệp lâu nay. Đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi, bởi mô hình này đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm... Tất cả sẽ phải đảm bảo sự liên thông, minh bạch, đáp ứng những đòi hỏi nghiêm ngặt của một chuỗi giá trị nông nghiệp đúng nghĩa đặt ra.
Đối với các tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, việc ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một giải pháp tích cực, khuyến khích các đơn vị kinh doanh ý thức hơn trong việc sản xuất đầu vào và quản lý chất lượng đầu ra.
Chẳng hạn như, sản phẩm thịt heo, gà, vịt… trong từng công đoạn chăn nuôi, vận chuyển, chế biến đến khi đưa ra lưu thông trên thị trường đều phải đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Để khi đến tay người tiêu dùng, đó thực sự là một sản phẩm sạch, đem lại sự yên tâm tuyệt đối về sản phẩm của chuỗi. Không chỉ cung cấp thông tin về việc thực phẩm được sản xuất tại đâu, như thế nào, mã truy xuất nguồn gốc thực phẩm thậm chí còn cho người tiêu dùng biết cả số điện thoại đường dây nóng của người sản xuất ra thực phẩm đó.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc của gia súc, gia cầm còn nhiều hạn chế vì các hộ nuôi nhỏ lẻ, manh mún chiếm đa số. Thống kê cho thấy, đến nay có 29 cơ sở nuôi heo với tổng đàn khoảng gần 29 ngàn con heo nái và gần 73 ngàn con heo thịt, 23 cơ sở chăn nuôi gà với tổng đàn gần 2,4 triệu con gà thịt và 152 ngàn con gà đẻ trứng, 7 cơ sở chăn nuôi vịt với tổng đàn 172 ngàn con vịt đẻ trứng liên kết theo hình thức chăn nuôi gia công.
Do đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai một số chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi đã được UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng 3 mô hình liên kết điểm, gồm chuỗi liên kết chăn nuôi heo tại huyện Xuyên Mộc với quy mô 38 ngàn con, chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm tại huyện Xuyên Mộc với quy mô 500 ngàn con gia cầm thịt và chuỗi liên kết trứng gia cầm tại Xuyên Mộc - Long Điền - Vũng Tàu với quy mô 200 ngàn con gia cầm.
Từ 3 chuỗi liên kết điểm này sẽ tiến hành hỗ trợ xây dựng và hình thành thêm 16 chuỗi để đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh hình thành và đi vào hoạt động 19 chuỗi liên kết (8 chuỗi liên kết trong chăn nuôi heo, 8 chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia cầm thịt và 3 chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia cầm trứng)…
Đồng thời tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng liên kết sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẽ tăng cường công tác tuyên tuyên truyền vận động đối với cả người tiêu dùng hình thành thói quen lựa chọn thực phẩm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
LAM GIANG