Hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết
Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi đã mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân. Đó là từng bước sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn và tham gia liên kết chuỗi.
Áp dụng công nghệ trong chăn nuôi
HTX Chăn nuôi gà công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Châu Đức) đang quản lý 4 trang trại gà công nghiệp trong chuồng lạnh quy mô 720 ngàn con tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức) và xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc).
Các trang trại nuôi gà được xây dựng trên diện tích từ 3-6ha, có từ 10-16 sàn nuôi. Không chỉ đầu tư chuồng lạnh, các trang trại này còn có hệ thống quản lý nhiệt độ, ánh sáng, thức ăn, nước uống tự động. Ngoài ra, hệ thống phun thuốc sát trùng và xử lý phân được kích hoạt để ngăn ngừa vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào ảnh hưởng đến đàn gà, ngăn mùi hôi phát sinh.
Kiểm tra chất lượng cám cho gà tại HTX Chăn nuôi gà công nghệ cao Long Thành Phát. |
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà công nghệ cao Long Thành Phát cho biết, các trại gà của HTX được nuôi theo công nghệ cao, tất cả các khâu tự động hóa. Các trại nuôi sử dụng đệm lót sinh học trong suốt quá trình nuôi.
Sau mỗi lứa gà (trung bình từ 32-37 ngày) xuất bán, toàn bộ phân trấu từ đệm lót cũng được thu gom bán cho Công ty sản xuất phân bón Huy Bảo. Việc áp dụng công nghệ trong chăn nuôi và xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn giúp xử lý, bảo vệ môi trường và tăng giá trị hiệu quả sản xuất từ việc sử dụng chất thải.
Trang trại heo tại ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức cũng đang áp dụng mô hình chăn nuôi heo công nghiệp với thiết kế sàn chuồng nuôi cao hơn mặt đất khoảng 70cm, quanh chuồng có hệ thống quạt. Trang trại này đang nuôi 400 heo thịt, 100 heo nái và 200 heo cai sữa.
Đại diện trang trại heo Sơn Bình cho biết, việc nuôi bằng hình thức công nghiệp, tự cung tự cấp nên bảo đảm được chất lượng nguồn giống.
“Ngoài hỗ trợ vốn cho các hộ chăn nuôi có điều kiện phát triển đàn, mua thức ăn, các hoạt động chuyển giao kỹ thuật rất cần thiết, vì qua đó, người dân có thêm kiến thức trong chăn nuôi theo hướng an toàn cũng như các cách phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiệu quả. Chúng tôi cũng luôn tham gia đầy đủ các đợt tiêm vắc xin và ghi chép nhật ký chăn nuôi; thực hiện nghiêm vệ sinh chuồng trại, phun xịt tiêu độc khử trùng, tuân thủ các quy định về vùng nuôi an toàn dịch bệnh. Nhờ vậy, đàn heo của chúng tôi luôn khỏe mạnh, phát triển tốt và tiêu thụ ổn định”, ông Phan Công Luận, kỹ thuật viên của trại heo này cho biết.
Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân
Những năm gần đây, các địa phương, hộ chăn nuôi đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất như: xây dựng quy hoạch chăn nuôi, thực hiện các dự án, đề án, mô hình phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 2.700 trang trại, cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải, nước thải; xử lý chất thải bằng biogas, đệm lót sinh học… Các địa phương cũng đã xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi và hỗ trợ hộ nuôi, chủ thể ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa tạo ra sản phẩm chăn nuôi sạch, chất lượng cao.
Tỉnh cũng đã cụ thể hóa Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bằng Quyết định số 1943/QĐ-UBND phê duyệt Dự án xây dựng chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, các chính sách hỗ trợ về khoa học kỹ thuật theo quyết định này là hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác thông qua dịch vụ tập trung của HTX cho các bên tham gia liên kết theo quy định; hỗ trợ xây dựng và đăng ký chất lượng nhãn hiệu hàng hóa (bao gồm tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho 16 chuỗi liên kết) theo quy định; hỗ trợ chi phí mua con giống, vật tư thiết yếu cho các hộ, trang trại tham gia chuỗi liên kết trong chăn nuôi theo Nghị quyết 21. |
Bên cạnh đó, viên chức kỹ thuật khuyến nông cũng đã chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các chính sách hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi được triển khai đồng bộ đã nâng cao nhận thức cho người dân, giúp người dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm... Đồng thời khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng tới ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi.
Ông Trần Quốc Vỹ, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Hỗ trợ nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người nuôi được tổ chức thông qua các hội nghị tập huấn tập trung, tham qua các mô hình chăn nuôi hiệu quả...
Hơn nữa, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi thời gian gần đây không chỉ đơn thuần là quy trình nuôi lựa chọn giống tốt như những năm trước mà còn chú trọng đến xây dựng chiến lược phát triển giống thông qua các dự án giống, tập trung hướng dẫn các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, sản phẩm an toàn chất lượng như vacine đầy đủ, đệm lót sinh học cho một số đối tượng và quy mô phù hợp, hạn chế sử dụng kháng sinh; đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn các quy trình sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn và các giải pháp xử lý mô trường, biến chất thải thành nguồn thu nhập sau sản phẩm chăn nuôi… Nhờ vậy, người chăn nuôi nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục phát huy các nội dung trên, đồng thời khuyến cáo người dân tham gia vào các chuỗi liên kết giá trị gia tăng để có sự hỗ trợ tương tác các chủ thể tham gia chuỗi, nắm bắt các thông tin nhu cầu thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiếp nhận công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất của mình.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU