Tiếp cận gần hơn với thị trường quốc tế

Thứ Năm, 14/12/2023, 19:27 [GMT+7]
In bài này
.

Hội nghị thúc đẩy cơ hội hợp tác kinh doanh với thị trường quốc tế do Sở Công thương phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Vũng Tàu (VCCI Vũng Tàu) tổ chức sáng 14/12  nhằm nâng cao năng lực cho DN khi hội nhập sâu.

Chuyên gia Nhật Bản khảo sát, hướng dẫn thử nghiệm các sản phẩm mang thương hiệu Tsubame-Sanjo trong chương trình khảo sát chứng nhận doanh nghiệp SDG cho khu vực tư nhân.
Chuyên gia Nhật Bản khảo sát, hướng dẫn thử nghiệm các sản phẩm mang thương hiệu Tsubame-Sanjo trong chương trình khảo sát chứng nhận doanh nghiệp SDG cho khu vực tư nhân.

Cơ hội, thách thức đan xen

Tại hội nghị, ông Hieda Shunsuke, cố vấn trưởng dự án Hợp tác kỹ thuật của JICA, Nhật Bản cho biết, thời gian qua, có nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản. Bà Rịa-Vũng Tàu có các dự án như: khảo sát chứng nhận doanh nghiệp SDG cho khu vực tư nhân nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp thông qua giới thiệu các sản phẩm Việt Nam sản xuất bởi Tsubame-Sanjo và thương hiệu Tsubame-Sanjo tại Việt Nam… 

“Khi triển khai các dự án hỗ trợ tại Việt Nam và Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi đã được hỗ trợ tích cực nên việc hợp tác, hỗ trợ cho các dự án đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận”, ông Hieda Shunsuke cho biết thêm.

Tham gia vào quá trình hợp tác kinh doanh với thị trường quốc tế, ngoài điều kiện thuận lợi, DN cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Để hội nhập và thúc đẩy hợp tác kinh doanh quốc tế, DN cần chuẩn bị về vốn, tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng chuyên sâu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bà Trần Thị Phương Lan, Giám đốc kinh doanh Nhà máy hạt nhựa Polystyrene (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) cho biết, sản phẩm hạt nhựa của công ty đã xuất khẩu đi một số nước như Indonesia, Philippines, châu Âu… Trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đem lại nhiều lợi thế nhưng DN cũng cần chuẩn bị năng lực, chiến lược phát triển để có thể tham gia sâu rộng hơn vào sân chơi quốc tế. DN đã và đang tiếp tục phát triển công nghệ, kỹ thuật để tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh với các nhà cung ứng khác trên thế giới. Đồng thời bám sát các thị trường chung của thế giới, tìm kiếm, mở rộng thị trường khác nhau, tránh phụ thuộc vào một thị trường nào đó.

Chủ động nâng cao khả năng cạnh tranh

Tiến sĩ Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và truyền thông quốc tế, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và kinh tế hội nhập cho rằng, để tham gia sâu rộng vào các sân chơi FTA, DN cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu đối tác, thị trường của địa phương. Đồng thời chủ động nâng cao năng lực quản trị DN, tập trung sản xuất và kinh doanh đối với những sản phẩm, lĩnh vực DN có lợi thế. 

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thị trường trong nước và quốc tế cũng là vấn đề DN cần lưu ý.

Thông tin tại hội nghị, bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương chia sẻ, năm 2023 hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi xung đột chính trị và kinh tế thế giới suy giảm dẫn đến nhu cầu hàng hóa ở thị trường quốc tế giảm, nhất là các ngành may mặc, xơ sợi, thép… 

Nhằm hỗ trợ DN, Sở Công thương đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn để phổ biến kiến thức về các hiệp định FTA, nâng cao kỹ năng tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Đồng thời, DN nắm được những lưu ý quan trọng về pháp luật khi kết nối giao thương, hợp tác kinh doanh với các thị trường quốc tế, các vấn đề về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với các cam kết quốc tế, các vấn đề liên quan đến hội nhập và thúc đẩy hợp tác kinh doanh quốc tế.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.