Tham gia chuỗi để 'giã từ' tập quán sản xuất manh mún

Thứ Ba, 26/12/2023, 09:44 [GMT+7]
In bài này
.

Trước thực trạng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa mang lại hiệu quả cao cho nông dân, tỉnh đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi, từng bước “giã từ” tập quán sản xuất manh mún. 

Ông Vũ Đình Ngọc, ấp 1, xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) với mô hình nuôi vịt thịt trên sàn.
Ông Vũ Đình Ngọc, ấp 1, xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) với mô hình nuôi vịt thịt trên sàn.

Hiệu quả chưa cao

Nhìn đàn heo trong chuồng đang đến kỳ xuất bán mà bà Nguyễn Thị Xuân, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức lòng như “lửa đốt”. Mấy hôm nay nghe tin giá heo lại giảm sâu, xuống còn 46-47 ngàn đồng/kg, thương lái quen dù gọi mấy lần vẫn chưa vào gom hàng, bà lại càng lo hơn. “Đàn heo hơn 40 con, được kỳ vọng thu lãi cao để sắm Tết, nhưng tình hình giá giảm như vậy thì coi như lỗ nặng”, bà Xuân cho hay.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Xuân gặp tình trạng này. Vài năm trở lại đây, giá heo luôn thất thường, khiến cho việc chăn nuôi của gia đình bà không mấy thuận lợi. Đã có một thời gian bà phải treo chuồng dù chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Câu chuyện của bà Xuân cũng là tình trạng chung mà nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang gặp phải. Sản xuất manh mún chính là bài toán “đau đầu” dẫn đến nhiều hệ lụy. Đó là đầu ra thiếu bền vững, khi giá cao thì thương lái tranh mua, còn giá giảm sâu lại không bán được. Đó là chưa kể chi phí đầu vào cao, chất lượng sản phẩm thiếu sự đồng đều.

Đặc biệt, với hình thức chăn nuôi quy mô gia đình, hầu hết các chủ hộ đều tận dụng những khoảng đất vườn quanh nhà, trong khu dân cư để xây dựng chuồng trại. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch khi heo nuôi tiếp xúc nhiều nguồn mang mầm bệnh khác nhau, khó khăn trong công tác kiểm soát, xử lý.

Đánh giá của cơ quan chức năng cũng cho thấy, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngày càng cao, khó kiểm soát được dịch bệnh, không chủ động được các yếu tố đầu vào, ít có cơ hội truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, người chăn nuôi khó tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, giá thành cao và thường xuyên bị thương lái o ép làm cho lợi nhuận và thu nhập của người chăn nuôi ngày càng thấp...

Tham gia chuỗi là yêu cầu tất yếu

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ không thể không nhắc đến vai trò của HTX. Chỉ khi các hộ sản xuất nhỏ lẻ cùng tập hợp, tham gia vào HTX - cánh tay nối dài giữa DN và các hộ nông dân, từng bước hình thành các HTX hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả mới gỡ bỏ được bài toán nhỏ lẻ, manh mún.

Muốn vậy cần phải nâng cao nhận thức để hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thấy rõ được lợi ích khi tham gia vào chuỗi liên kết. Đó là khi tham gia vào HTX sẽ được hỗ trợ về nguồn vốn, về giống, về khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ. Nghĩa là sản phẩm chăn nuôi có sản lượng lớn, chất lượng tốt hơn trong khi chi phí bỏ ra được tiết giảm, đồng thời, sản phẩm được bao tiêu và có ngay thu nhập.

Chuỗi liên kết "từ trang trại đến bàn ăn" đang là giải pháp làm thay đổi tất cả những manh mún, đứt gãy trong chuỗi giá trị rời rạc sản phẩm nông nghiệp lâu nay trên thị trường. Đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi, bởi mô hình này đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm...

Theo các chuyên gia nông nghiệp, mô hình chăn nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ cao mang tới sự ổn định trong chăn nuôi và chất lượng sản phẩm đầu ra, đảm bảo lợi ích cho mỗi đơn vị tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp; cho phép người tiêu dùng đến gần hơn với nguồn thực phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây cũng là cách giúp người chăn nuôi nâng cao ý thức sản xuất đảm bảo an toàn, có trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để người chăn nuôi “giã từ” sản xuất manh mún, ngành chức năng cần xây dựng, hoàn thiện, áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, hình thành các vùng chế biến công nghệ cao, khép kín tại vùng chuyên canh chính; xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần để tăng hiệu quả liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, ngân hàng cần đa dạng hóa phương thức cho vay mới, gắn với các chuỗi chăn nuôi đang và sẽ hình thành, giúp DN, HTX tiếp cận vốn mở để rộng sản xuất, phát huy hiệu quả chuỗi liên kết.

LAM GIANG

 

;
.