Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Sở NN-PTNT) đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động các chủ thể tham gia chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm chăn nuôi.
Mở các lớp tập huấn chuỗi liên kết
Với mục tiêu hình thành 19 chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm chăn nuôi. Trong đó, 8 chuỗi liên kết chăn nuôi heo, 8 chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm và 3 chuỗi liên kết trứng gia cầm; đảm bảo 75% sản phẩm chăn nuôi cung ứng ra thị trường trên địa bàn tỉnh được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm.
Ths. Lê Tấn Thanh Lâm, Giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh trao đổi với học viên các nội dung liên quan đến lợi ích khi xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi. |
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, TX.Phú Mỹ và TP.Bà Rịa tổ chức 10 lớp tập huấn cho hơn 200 chủ thể là các chủ trang trại, hộ chăn nuôi, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình và doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Nội dung tập huấn liên quan đến việc sản xuất theo chuỗi, các mối liên kết ngang, liên kết dọc trong chăn nhuôi; chăn nuôi bảo đảm vệ sinh an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nghĩa vụ và quyền lợi của các chủ thể tham gia liên kết; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Anh Phạm Minh Nguyên, hộ đang nuôi 4.000 con vịt đẻ trứng (xã An Ngãi, huyện Long Điền) chia sẻ, trong nhiều tháng qua, tình hình nuôi vịt lấy trứng trên địa bàn huyện Long Điền gặp nhiều khó khăn, luôn trong tình trạng lo lắng khi giá bán trứng vịt giảm ở mức thấp hơn giá thành sản xuất. Qua tham gia lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, anh Nguyên nhận thấy việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để có đầu ra ổn định sản phẩm gia cầm là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh mở các lớp tập huấn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn viết, biên tập 300 tin, bài đăng trên trang thông tin điện tử của đơn vị về các nội dung kỹ thuật sản xuất chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt; thông tin về thị trường; tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; biên soạn, biên tập và in ấn 7.000 cuốn/6 đầu sách kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi; tổ chức các lớp tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình chuỗi liên kết…
Tạo đầu ra ổn định cho nông dân
Nhận thấy chăn nuôi gia cầm đơn lẻ gặp nhiều khó khăn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, chị Lâm Thị Thu Hà, ở ấp Phước Trinh, xã Tam Phước (huyện Long Điền) đã thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ-Thương mại Hà Phát. Hiện HTX có 12 thành viên, tổng đàn vịt đẻ trứng khoảng 60 ngàn con. Mỗi ngày có thể cung cấp ra thị trường 50 ngàn quả trứng.
Anh Phạm Minh Nguyên, xã An Ngãi (huyện Long Điền) chia sẻ, anh mong muốn Hội Nông dân xã An Ngãi hỗ trợ thành lập HTX liên kết sản xuất theo chuỗi để sản phẩm trứng có đầu ra ổn định hơn. |
Chị Lâm Thị Thu Hà, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ-Thương mại Hà Phát cho biết, trước đây, người chăn nuôi vịt thường theo kiểu “mạnh ai người nấy làm” nên khâu nuôi, chăm sóc không được chú trọng. Khi tham gia vào HTX, các thành viên được hướng dẫn chăn nuôi theo một quy trình, từ đó tạo ra sản phẩm đồng nhất về cả năng suất lẫn chất lượng cho trứng vịt thương phẩm. HTX cũng đã đứng ra liên kết, ký kết hợp đồng với các cơ sở kinh doanh trứng vịt và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh thu mua trứng vịt cho nông dân, với mức giá tối thiếu bằng hoặc cao hơn giá thị trường từ 5-10 đồng/quả. Sản phẩm trứng vịt của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao. Theo tinh thần Quyết định 1258/QĐ-UBND ngày 29/5/2023 của UBND tỉnh về hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2023-2025, HTX đã trình các ngành chức năng của tỉnh, huyện đề án xây dựng kho lạnh bảo quản trứng, đầu tư máy rửa trứng, kinh phí thực hiện khoảng 1 tỷ đồng.
Nhận thấy việc nuôi vịt theo hướng liên kết đem lại hiệu quả, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn Tam Phước đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Như gia đình bà Hoàng Thị Đường (ấp Phước Trinh, xã Tam Phước) với số lượng vịt nuôi ban đầu là 2.000 con, đến nay đã tăng đàn lên 4.000 con và đầu tư xây dựng khu chuồng trại rộng 1.000m2. Nghề nuôi vịt đã đem lại cho gia đình bà Đường có nguồn thu nhập ổn định.
Hiện trên địa bàn xã Tam Phước có hơn 70 hộ chăn nuôi vịt. |
Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, hiệu quả bước đầu mà HTX Hà Phát mang lại cho nông dân cho thấy việc tham gia chuỗi liên kết có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn hiện nay.
“Sau các lớp tập huấn xây dựng chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ triển khai các mô hình liên kết điểm, sau đó nhân rộng chuỗi liên kết sản phẩm gia cầm trên địa bàn các huyện Xuyên Mộc, Long Điền, TP.Vũng Tàu với quy mô khoảng 232 ngàn con. Các HTX, hộ chăn nuôi gia cầm tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư con giống, các loại vật tư thiết yếu phục vụ cho việc chăn nuôi; được tham gia tập huấn, hội thảo, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất; quảng bá và tiêu thụ sản phẩm…”, ông Vinh cho biết thêm.
Bài, ảnh: CHIÊU CÔNG