Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trụ vững trong những ngày đầu khởi nghiệp, Sở KH-CN đã xây dựng chương trình đào tạo, tư vấn chuyên sâu "Tăng tốc khởi nghiệp, thúc đẩy kinh doanh DN với mô hình 1 chuyên gia kèm 1 DN".
Để đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, các chuyên gia của chương trình Tăng tốc khởi nghiệp đã hỗ trợ Công ty ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) xây dựng lại giá bán và phát triển kênh bán hàng thương mại điện tử. |
Cố vấn đặc biệt
Là một người trẻ, với mong muốn đóng góp cho quê hương, sau khi tích lũy 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phần mềm ở TP.Hồ Chí Minh, năm 2023 chị Hoàng Thị Ngọc Huyền (SN 1996) đã về quê khởi nghiệp. Nhận thấy Internet ảnh hưởng quá lớn đến con người, nhất là thế hệ trẻ, Huyền đã quyết định thành lập Công ty TNHH CodeSpace ở xã Phước Hưng (huyện Long Điền) chuyên về đào tạo trong lĩnh vực khoa học máy tính, kỹ năng lập trình và sử dụng Internet an toàn cho trẻ từ 8-18 tuổi.
Quá trình khởi nghiệp, Công ty gặp phải 2 vấn đề lớn: Thứ nhất, nhận thức của phụ huynh cho rằng cho trẻ tiếp xúc với máy tính, Internet sớm sẽ làm hư con họ nên các lớp học của CodeSpace chưa được phụ huynh quan tâm nhiều. Thứ hai, do nhận thức trên, các phụ huynh vẫn đánh giá rằng mức học phí còn quá cao nên các khóa học chưa thu hút được nhiều học sinh.
“Khi tham gia chương trình "Tăng tốc khởi nghiệp", các chuyên gia đã giúp đỡ chúng tôi tối ưu hóa chi phí để đưa ra một mức giá hợp lý hơn, phổ cập đến rộng rãi trẻ em và phụ huynh”, chị Ngọc Huyền nói.
Các lớp học đào tạo công nghệ thông tin, internet cho trẻ em từ 8-18 tuổi của Công ty CodeSpace (huyện Long Điền) |
Sau 2 tháng nhận được sự cố vấn đặc biệt, chị Ngọc Huyền đã học được cách marketing để phụ huynh thấy được tầm quan trọng của tin học, công nghệ thông tin đối với trẻ em, nhất là việc làm sao để trẻ tiếp cận Internet an toàn, hữu ích. Công ty cũng được chuyên gia giúp cơ cấu lại chi phí, kiểm soát được dòng tiền ra-vào tốt hơn, cắt giảm các chi phí không cần thiết và không đầu tư dàn trải, vượt quá nội lực, sức chịu đựng của DN.
“Do thiếu kinh nghiệm, tôi dự định đầu tư 900 triệu đồng cho giai đoạn đầu khởi nghiệp nhưng sau khi được chuyên gia tư vấn, tôi đã cắt giảm được các chi phí gây rủi ro cho DN, đưa mức đầu tư xuống còn 300 triệu đồng”, chị Ngọc Huyền cho biết.
Bên cạnh việc được hỗ trợ trực tiếp về phương án kinh doanh và cách vận hành DN hiệu quả, chị Ngọc Huyền còn được Sở KH-CN, Văn phòng Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giới thiệu, kết nối với các DN trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, giúp công ty mở rộng mối quan hệ hợp tác và kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ thông tin. Đồng thời tiếp cận được nhiều gói hỗ trợ về đào tạo, sở hữu trí tuệ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, năng suất và chất lượng dành cho DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ của tỉnh.
Các sản phẩm mật ong thảo dược của Công ty Kim Trúc Plus (TX.Phú Mỹ) đang xây dựng lại hình ảnh, thương hiệu để đẩy mạnh lên kênh bán hàng trên mạng xã hội |
Trong khi đó, Công ty TNHH Kim Trúc Plus ở xã Tân Hải (TX.Phú Mỹ) chuyên sản xuất các sản phẩm về mật ong thảo dược lại gặp vấn đề về phát triển thương hiệu, tiếp cận thị trường thương mại điện tử không hiệu quả. Công ty đã được Sở KH-CN giới thiệu cho một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử giúp điều chỉnh phương án kinh doanh theo mô hình bán hàng online với phương thức mới phù hợp hơn.
“Thương mại điện tử bây giờ không chỉ là đưa hàng lên các trang Sendo, Shopee, Ladaza như thông thường nữa mà phải đi kèm quảng bá trên mạng xã hội như: Tiktok, Facebook. Chuyên gia đã hướng dẫn chúng tôi xây dựng các video ngắn giới thiệu, quảng bá về công ty đưa lên mạng xã hội để phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay”, chị Nguyễn Thanh Trúc, Phó Giám đốc công ty cho biết.
Đẩy mạnh chương trình tư vấn chuyên sâu
Phó Giám đốc sở KH-CN Trần Duy Tâm Thanh cho biết, chương trình "Tăng tốc hỗ trợ DN khởi nghiệp" đã có từ mấy năm trước nhưng chủ yếu là chương trình đào tạo tập trung trong 3 tháng (3 ngày liên tục/tuần) với lượng kiến thức lớn về kinh doanh nói chung. “Chúng tôi nhận thấy với lượng kiến thức lớn, chủ yếu về lý thuyết chung như thế vẫn chỉ mới giải quyết phần ngọn mà chưa thực sự giúp DN giải quyết phần gốc vì mỗi DN có vấn đề, khó khăn riêng. Năm nay, sở quyết định đổi mới chương trình Tăng tốc”, ông Tâm Thanh nói.
Sau khi DN khởi nghiệp đăng ký nhu cầu, Sở KH-CN kết nối với 1 chuyên gia có mô hình kinh doanh tương tự với DN, đang vận hành và kinh doanh DN vừa và nhỏ của mình hiệu quả. Từ đó, kinh nghiệm của chuyên gia đến DN khởi nghiệp sẽ gần gũi, thiết thực và hiệu quả hơn, giúp DN khởi nghiệp vận dụng được vào thực tế, giải quyết được những vấn đề cốt lõi của mình. DN, chuyên gia tư vấn sẽ theo DN khởi nghiệp trong ít nhất 2 tháng và có đánh giá lại quá trình chuyển đổi, từ đó điều chỉnh phương án kinh doanh, vận hành DN cho phù hợp. Sau đó, trong quá trình phát triển kinh doanh, 2 DN này sẽ tiếp tục vừa là bạn, vừa là thầy, thậm chí là đối tác hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
“Trong năm 2023, Sở KH-CN áp dụng thử nghiệp chương trình Tăng tốc mới này cho 6 DN trong các lĩnh vực giáo dục, tin học, nông nghiệp và thực phẩm, đồ uống. Kết quả bước đầu khá tốt, được các DN ủng hộ nên năm 2024 Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình này, mở rộng thêm ra cho khoảng 10-20 DN khởi nghiệp, vừa và nhỏ có sản phẩm OCOP đang gặp vấn đề về đầu ra của tỉnh, xây dựng được mô hình kinh doanh hiệu quả hơn. Từ đó góp phần thúc đẩy, mở rộng cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh phát triển hơn nữa”, ông Tâm Thanh thông tin.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH