Nông dân tăng thu nhập nhờ liên kết trong chăn nuôi

Thứ Năm, 28/12/2023, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Chăn nuôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh xác định là một trong những lĩnh vực được quan tâm phát triển lâu dài để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, việc liên kết trong chăn nuôi sẽ giúp hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Cù Bị tham quan mô hình nuôi vịt trên sàn của anh Nguyễn Hữu Hoàng.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Cù Bị tham quan mô hình nuôi vịt trên sàn của anh Nguyễn Hữu Hoàng.

Nuôi vịt trên sàn cho thu nhập ổn định

Đến thăm mô hình nuôi vịt thương phẩm của anh Nguyễn Hữu Hoàng, ở thôn Đồng Tâm, xã Cù Bị (huyện Châu Đức), ai cũng trầm trồ trước quy mô chuồng trại nuôi 3.000 con vịt và 2.000 con gà trên đệm lót sinh học.

Theo anh Hoàng, nuôi vịt trên sàn là phương pháp khá kinh tế so với kiểu nuôi truyền thống. Vịt hoạt động nhiều hơn nên chất lượng thịt thơm, chắc, tỷ lệ thịt đùi và ức cao nên được thị trường ưa chuộng. Trong quá trình thực hiện mô hình, anh Hoàng đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN-PTNT) tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi gia cầm an toàn sinh học. Chuồng trại 500m2 được bố trí thoáng mát trong không gian vườn cây ăn trái rộng hơn 4.000m2, có hầm chứa và xử lý nước thải. Anh còn bố trí không gian để vịt nghỉ ngơi sau khi ăn, giúp đảm bảo sức khỏe, lớn nhanh, tránh thiệt hại do dịch bệnh hay thời tiết gây ra…

Trung bình mỗi con đạt trọng lượng từ 3kg trở lên thì xuất chuồng. Giá bán từ 35 - 45 ngàn đồng/kg. So với cách nuôi truyền thống, phương thức nuôi vịt trên sàn đảm bảo được đầu con, dễ kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống đến lúc bán đạt trên 95%. Đàn vịt lớn đều, dễ bán, hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, gia đình anh nuôi 5 lứa vịt, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi trên 100 triệu đồng.

“Vừa xuất bán lứa vịt với giá 35 ngàn đồng/kg vịt thương phẩm, dù lãi lít nhưng tôi cũng tranh thủ thả lứa mới để kịp bán Tết. Trên địa bàn huyện Châu Đức có 17 hộ nuôi vịt trên sàn, tập trung tại các xã Xà Bang, Bàu Chinh, riêng Cù Bị có 7 hộ nuôi vịt theo hình thức trên. Chúng tôi đã có kế hoạch liên kết thành lập HTX để có đầu ra ổn định hơn”, anh Hoàng nói.

Liên kết thành lập HTX

Nhận thấy chăn nuôi đơn lẻ gặp nhiều khó khăn, khó tạo thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, ông Mai Xuân Du, ở xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) đã thành lập HTX chăn nuôi heo Hòa Hiệp, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho các thành viên. HTX hiện có 7 thành viên, tổng đàn 4.090 con bao gồm cả heo nái, sản lượng xuất chuồng 1.200 con heo thương phẩm/năm.

Giám đốc HTX Chăn nuôi heo Hòa Hiệp Mai Xuân Du cho biết, theo kế hoạch, HTX liên kết với Công ty TNHH Nông nghiệp Linh Phương để cung cấp con giống, thức ăn gia súc, thuốc thú y, hướng đến chăn nuôi sạch theo hướng VietGAP. Đồng thời liên kết với CP, Vissan, GreenFeed… để ký kết hợp đồng thu mua heo thương phẩm, tạo đầu ra ổn định.

Với mục tiêu hình thành 19 chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai Đề án xây dựng chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thành công của mô hình nuôi vịt trên sàn đã thuyết phục bà con nông dân thay đổi dần thói quen chăn nuôi truyền thống, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Hiện nay, nghề chăn nuôi ở địa phương chưa phát triển ổn định, quy mô đầu tư vẫn còn nhỏ lẻ, sản phẩm đầu ra, giá cả bấp bênh, khiến cho nông dân chưa mạnh dạn mở rộng đầu tư chăn nuôi. Do đó, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để có đầu ra ổn định là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
(Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Cù Bị)

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tổ chức các lớp tập huấn, tuyên tuyền về vai trò và ý nghĩa, nghĩa vụ và quyền lợi của các chủ thể tham gia liên kết; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác thông qua các dịch vụ tập trung của HTX cho các bên tham gia liên kết...

Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, đề án này nhằm khắc phục một số bất cập trong ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đầu tiên phải kể đến là khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng tới ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi. Ngoài ra, việc liên kết sản xuất theo chuỗi còn hạn chế được tình trạng giết mổ thủ công tràn lan, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Mọi công đoạn từ cung ứng con giống, vật tư, chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ... đều phải tham gia chuỗi, liên kết một cách chặt chẽ. Đồng thời đa dạng hóa các hình thức liên doanh, liên kết ở tất cả các công đoạn, từng bước nâng cao trách nhiệm của tác nhân tham gia chuỗi. Một trong những lợi ích thiết thực nhất mang lại cho thành viên HTX tham gia chuỗi sản xuất là tăng thu nhập cho người chăn nuôi, nhờ hạn chế được khâu trung gian, đảm bảo tính minh bạch, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh”, ông Vinh cho hay.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

;
.