Nguồn vốn phục vụ hộ nghèo, đối tượng chính sách ngày càng tăng

Thứ Hai, 25/12/2023, 19:53 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là thông tin được Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đưa ra tại buổi trao đổi kinh nghiệm của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Nepal với NHCSXH tỉnh, vào chiều 25/12 tại TP.Bà Rịa.

Ông Võ Văn Hoàng, Phó Giám đốc, Phụ trách NHCSXH tỉnh phát biểu về tình hình triển khai các hoạt động tín dụng  trên địa bàn tỉnh.
Ông Võ Văn Hoàng, Phó Giám đốc, Phụ trách NHCSXH tỉnh phát biểu về tình hình triển khai các hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Tổng dư nợ tăng gấp 81 lần

Báo cáo với đoàn, ông Võ Văn Hoàng, Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH  tỉnh cho biết, sau 21 năm hoạt động, đến nay tổng dư nợ cho vay tại NHCSXH tỉnh tăng gấp 81 lần so với ngày đầu thành lập, chất lượng tín dụng cũng được kiểm soát tốt, chỉ chiếm 0,14% tổng dư nợ.

Hiện nay, NHCSXH tỉnh đang thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách với 13 chương trình tín dụng ưu đãi, tập trung vào cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển sản xuất kinh doanh tại các xã vùng khó khăn...

Tính đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ước đạt 4.289 tỷ đồng/77.130 khách hàng còn dư nợ, hoàn thành 99,98% kế hoạch tăng trưởng, tăng 4.236 tỷ đồng (gấp 81 lần) so với ngày thành lập. Chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp.

Ông Trần Văn Mảng- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh giới thiệu với đoàn công tác  Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Nepal về mô hình trồng dưa lưới.
Ông Trần Văn Mảng- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh giới thiệu với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Nepal về mô hình trồng dưa lưới.

Nguồn vốn vay NHCSXH được giải ngân trực tiếp tới khách hàng tại Điểm giao dịch xã (được tổ chức mỗi tháng 1 lần vào ngày cố định tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn), có sự chứng kiến của Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hội đoàn thể nhận ủy thác. Nhờ đó, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn. Nợ quá hạn và nợ khoanh ước đến hết năm 2023 là 6 tỷ đồng, chiếm 0,14% tổng dư nợ, giảm gần 20 tỷ đồng so với ngày thành lập. Trong đó, nợ quá hạn 0,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,01%/tổng dư nợ, giảm 24,8 tỷ đồng so với ngày thành lập; nợ khoanh 5,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,13%/tổng dư nợ, tăng 4,9 tỷ đồng so với ngày thành lập. Có 2/8 Phòng giao dịch không có nợ quá hạn là TP.Vũng Tàu và huyện Côn Đảo.

Dịp này, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Nepal đã đi thực tế, tìm hiểu  các mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả, tạo việc làm ổn định trên địa bàn huyện Đất Đỏ. Đó là mô hình trồng dưa lưới Long Tân của gia đình ông Phạm Văn Tứ. Ông Tứ vay số tiền 90 triệu đồng ngày 24/9/2022. Hiện nay, ông Tứ đang trồng 2 nhà lồng dưa lưới, 1 nhà lồng sắp đến kỳ thu hoạch và 1 nhà lồng dưa mới xuống giống khoảng 1 tháng, với tổng diện tích trồng dưa lưới khoảng 0,3 ha.
Mô hình nuôi trồng thủy sản, tôm cá ở xã Lộc An của gia đình bà Trần Thị Nguyệt Thủy. Bà Thủy vay số tiền 80 triệu đồng ngày 15/4/2022. Hiện nay hộ bà Thủy đang nuôi trồng thủy sản công nghệ cao với diện tích nuôi trồng khoảng 0,4ha.

 

Góp phần thay đổi nông nghiệp-nông thôn

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu được biết đến là một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tiêu biểu như: công nghệ chế biến cacao-socola; ứng dụng máy không người lái vào gieo giống và phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa, cây chuối; mô hình nhân giống, nuôi mực trong môi trường tự nhiên, nuôi trồng thủy hải sản kết hợp du lịch sinh thái; xử lý môi trường rác thải trong nông nghiệp, nông thôn…

Để đạt được kết quả nói trên là nhờ thời gian qua, các cấp Hội tích cực vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân vay vốn mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là thực hiện chương trình liên tịch giữa NHCSXH với Hội Nông dân trong việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH luôn chủ động phối hợp ban giảm nghèo các xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý, tổ chức họp để kết nạp tổ viên vào tổ, bình xét cho vay, đôn đốc hướng dẫn tổ viên sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích.

Hiện nay, 7/7 huyện, thị xã, thành phố và 60/60 xã, phường, thị trấn trong tỉnh do Hội Nông dân quản lý đã triển khai việc nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng dư nợ hơn 1.300 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình nông dân đã phát huy được hiệu quả đồng vốn, phát triển kinh tế trở nên khá, giàu như: hộ bà Nguyễn Thanh Giang (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ), ông Nguyễn Anh Tuấn (khu dân cư số 3, huyện Côn Đảo); hay như hộ ông Nguyễn Văn Quang (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc)… Nhiều hộ thực hiện vay vốn HSSV cho con em học tập, sau khi ra trường có việc làm và thu nhập ổn định như hộ ông Lê Tuấn Anh (xã Xà Bang, huyện Châu Đức)…

Bài, ảnh: PHAN HÀ

 
;
.