3 gói thầu của Dự án nâng cấp luồng Cái Mép - Thị Vải có tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, được triển khai từ tháng 2/2023. Đến nay, dự án đang như thế nào?
Điểm khó là các đơn vị vừa thi côngvừa phải bảo đảm an toàn cho các tàu ra vào cảng. |
Gói thầu đầu tiên sắp hoàn thành
Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) được chia ra làm 3 gói thầu (gọi tắt là gói thầu 1,2,3) với tổng khối lượng nạo vét 6.618.695m3.
3 nhà thầu liên danh thi công gói thầu số 1 đã huy động 50 phương tiện và thiết bị (gồm tàu hút bụng, xáng cạp, xà lan vận chuyển, tàu kéo và phương tiện điều tiết) cùng hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân viên thi công 24/24 giờ. Công trường sẽ hoạt động liên tục, không nghỉ, kể cả lễ tết.
Đến nay, gói thầu số 1 sản lượng nạo vét đạt 5.285.000m3 (tương đương 90%). Dự kiến đến ngày 31/12/2023, nhà thầu sẽ hoàn thành 100% khối lượng công việc và triển khai công tác đo đạc, rà quét chướng ngại vật phục vụ nghiệm thu và thông báo hàng hải.
Ông Lê Duy Hải, Chỉ huy trưởng công trường gói thầu số 1 cho biết, để đáp ứng tiến độ theo yêu cầu, công nhân ngày đêm bám luồng, bám công trường. Hầu hết công nhân, người lao động kể từ khi khởi công dự án đến nay chưa rời khỏi tàu.
Tại gói thầu số 2, nhà thầu huy động 25 phương tiện gồm 4 tàu kéo, 5 máy đào gầu ngoạm và 16 xà lan đổ thải. Hiện đã đạt 14% khối lượng, đảm bảo tiến độ so với hợp đồng, dự kiến đến 6/2024 hoàn thành.
Riêng gói thầu số 3 (gói thầu điều chỉnh, thiết lập các vùng nước, cải tạo nâng cấp báo hiệu hàng hải, hệ thống thiết bị hàng hải, xây dựng hải đồ khu vực phân luồng), thời gian thi công dự kiến 8 tháng, đang trình Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán gói thầu.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Hàng hải - Chủ đầu tư (Bộ GT-VT) cho biết, luồng CM-TV là tuyến luồng hàng hải có mật độ tàu lưu thông đông nhất cả nước. Do đó nhà thầu thi công chỉ được thi công nạo vét ½ phạm vi luồng, với thời gian thi công 12 tiếng từ 6h đến 18h cùng ngày. Do đó, để bảo đảm an toàn khi có tàu lớn lưu thông, các phương tiện thi công phải di dời ra ngoài biên luồng, nhường đường cho tàu ra vào cảng. Thời gian thu neo, di dời phương tiện mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình thi công. Tuy nhiên, các đơn vị đã nỗ lực khắc phục khó khăn để bảo đảm tiến độ.
Các nhà thầu thi công huy động nhiều phương tiện triển khai dự án, làm việc cấp tập, không nghỉ lễ tết. |
Nâng cao hiệu suất khai thác cụm cảng CM-TV
Dự án nâng cấp tuyến luồng CM-TV được Bộ GT-VT phê duyệt tháng 8/2022, với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Công trình được khởi công vào ngày 18/2, dự kiến hoàn thành tháng 6/2024. Tuy nhiên với tiến độ hiện tại, dự án có thể sẽ hoàn thành sớm so với kế hoạch.
Theo Ban Quản lý dự án hàng hải, mục tiêu của dự án nhằm cho phép các cảng ở CM-TV có thể đón tàu container lên đến 200.000DWT (giảm tải) và tàu 160.000DWT đủ tải, còn tàu 120.000DWT khai thác hai chiều. Dự án hoàn thành sẽ giúp nâng cao hiệu suất khai thác của cụm CM-TV, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, tăng cường năng lực vận tải thủy của các tàu container cỡ lớn ra vào CM-TV, thu hút hàng hóa trung chuyển trong khu vực.
Từ góc độ của DN kinh doanh cảng biển, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép cho biết, thông tin luồng CM-TV được nạo vét đến độ sâu -15,5m sắp hoàn thành, một số hãng tàu đã lên kế hoạch ghé các cảng CM-TV trong thời gian tới.
Theo ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch cảng Quốc tế Gemalink, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gemadept - Gemalink, dự kiến năm 2024 sẽ có thêm khoảng 30 tàu cỡ trên 18.000 TEU đưa vào khai thác. Như vậy, để thu hút các tàu mẹ, CM-TV cần phải phát triển hơn nữa để nâng hiệu suất khai thác, đáp ứng được xu thế đội tàu lớn của thế giới với sức chở ngày càng cao. Theo tính toán, với 1m mớn nước tăng thêm, sẽ giúp cho tàu tăng thêm 1.400 TEU cho cỡ tàu 14.000 TEU.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN