Chăn nuôi an toàn sinh học để xây dựng thương hiệu và tham gia liên kết chuỗi
Chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp kiểm soát dịch bệnh, giảm nguy cơ rủi ro và chi phí sản xuất mà còn giúp các sản phẩm thịt, trứng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng thương hiệu, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, có đầu ra ổn định.
Kỹ sư trang trại Sơn Bình, huyện Châu Đức kiểm tra sự phát triển của đàn heo trong chuồng. |
Sản xuất sạch chỉ lợi, không hại
Huyện Châu Đức là địa phương có nhiều DN và nông dân thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn sinh học có hiệu quả. Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu (xã Suối Rao) cho biết, DN đang nuôi 80.000 con gà trong hệ thống phòng lạnh rộng 7.000m2.
Ông Thanh nhận định, trong chăn nuôi, yếu tố then chốt là bảo đảm an toàn dịch bệnh. “Với hệ thống phòng lạnh mà DN đang triển khai, nhiệt độ được kiểm soát, các nguồn gây bệnh phổ biển cũng gần như bị “chặn đứng” nên tỷ lệ hao hụt rất thấp, chưa đến 2%”, ông Thanh nói.
Cùng với đó, hình thức chăn nuôi này cũng giảm công lao động, tối ưu hóa chi phí thức ăn, chăm sóc. Vấn đề bảo đảm môi trường cũng được giải quyết. Do đó, dù chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng hiện nay, chăn nuôi trong phòng lạnh đã trở thành lựa chọn của nhiều DN, nông dân trên địa bàn tỉnh.
Trang trại heo tại ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức cũng đang áp dụng mô hình chăn nuôi heo công nghiệp với thiết kế sàn chuồng nuôi cao hơn mặt đất khoảng 70cm, quanh chuồng có hệ thống quạt. Trang trại này đang nuôi 400 heo thịt, 100 heo nái và 200 heo cai sữa.
Đại diện trang trại heo Sơn Bình cho biết, với việc nuôi bằng hình thức công nghiệp, tự cung tự cấp nên bảo đảm được chất lượng nguồn giống. “Chúng tôi cũng luôn tham gia đầy đủ các đợt tiêm vắc xin và ghi chép nhật ký chăn nuôi; thực hiện nghiêm vệ sinh chuồng trại, phun xịt tiêu độc khử trùng, tuân thủ các quy định về vùng nuôi an toàn dịch bệnh. Nhờ vậy, đàn heo của chúng tôi luôn khỏe mạnh, phát triển tốt”, ông Phan Công Luận, kỹ thuật viên của trại heo này cho biết.
Theo ngành nông nghiệp, hiện đã có 132 trong tổng số 175 trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ cao. Các trại nuôi đều được quy hoạch cách xa khu dân cư, đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng, có hệ thống xử lý chất chất thải bằng hầm biogas, hạn chế rủi do dịch bệnh. Việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học góp phần tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, được thị trường đánh giá cao.
Tạo thương hiệu để tham gia vào chuỗi giá trị
Hiện nay, việc xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, ứng dụng công nghệ cao ngày càng được nhiều DN, nông dân lựa chọn. Sản xuất “heo sạch, gà tươi” cũng đã trở thành xu hướng tất yếu của ngành chăn nuôi. Đã có sản phẩm sạch, bài toán được đặt ra là nâng cao giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Người tiêu dùng cần lựa chọn mua thịt, trứng tại những cơ sở kinh doanh có uy tín, được chứng nhận bởi cơ quan chức năng. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua thịt heo tại siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu. |
Trước đây, sản phẩm trứng vịt Tam Phước được đánh giá có chất lượng cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhờ địa điểm và phương pháp nuôi vịt của bà con nông dân, tuy nhiên, lại chưa được nhiều người biết tới.
Đây là nguyên nhân HTX Nông nghiệp và Thương mại-Dịch vụ Hà Phát, huyện Long Điền được thành lập, với mục tiêu liên kết các trang trại chăn nuôi vịt trứng tại địa phương. HTX vừa hỗ trợ thành viên kỹ thuật trong chăn nuôi sinh học, vừa đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác cho sản phẩm.
Bà Lâm Thị Thu Hà, Giám đốc HTX Hà Phát cho biết: “Vừa qua, “trứng vịt Tam Phước” đã được công nhận OCOP 3 sao cấp huyện. Có thương hiệu, sản phẩm của bà con sẽ tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường”.
Theo ngành nông nghiệp, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tạo điều kiện tốt nhất để các DN, HTX liên kết với các trang trại, hộ chăn nuôi phát triển chuỗi liên kết, đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và thị trường tiêu thụ..., qua đó, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm ngành chăn nuôi của tỉnh trên thị trường.
Quan điểm của tỉnh là hình thành và phát triển chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phù hợp với tiềm năng và điều kiện từng địa phương; bảo đảm tất cả công đoạn từ cung ứng giống, vật tư, chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ cung ứng đều có liên kết chuỗi chặt chẽ, đồng thời, đa dạng hóa hình thức liên doanh, liên kết ở các công đoạn, nâng cao trách nhiệm của các tác nhân tham gia chuỗi.
Bài, ảnh: QUANG VINH