Hình thành văn hóa sản xuất có trách nhiệm trong liên kết chuỗi

Thứ Hai, 25/12/2023, 14:47 [GMT+7]
In bài này
.

Đây là điều kiện cũng như yêu cầu bắt buộc nhằm tăng hiệu quả liên kết chuỗi, đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Liên kết ngang, liên kết dọc

Theo ngành nông nghiệp, hiện có 2 hình thức liên kết đặc trưng trong chăn nuôi là liên kết theo đường đi của sản phẩm, từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh (liên kết ngang). Về liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ.

Ths. Lê Tấn Thanh Lâm, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh trao đổi với nông dân huyện Châu Đức các nội dung liên quan đến lợi ích khi xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.
Ths. Lê Tấn Thanh Lâm, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh trao đổi với nông dân huyện Châu Đức các nội dung liên quan đến lợi ích khi xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Về liên kết ngang, các hợp tác xã và tổ hợp tác liên kết nhằm giúp đỡ nhau, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình xã viên phát triển. Trong mô hình này, các đơn vị kinh doanh đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất bao gồm cả đầu vào, đầu ra cho các hộ xã viên, đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa thành viên (nông dân) với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, xuất khẩu.

Theo đó, vai trò của doanh nghiệp trong mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị là rất quan trọng, có tính quyết định cho việc hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi một cách bền vững. Doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ trong liên kết dọc. Người chăn nuôi được hỗ trợ một phần chi phí sản xuất.

Trong mô hình liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh (điển hình là các HTX, tổ hợp tác…) liên kết lại, hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là thu hút các doanh nghiệp có khả năng thu mua, chế biến và đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi. Đây là các doanh nghiệp có tính chất quyết định để đẩy mạnh lượng cầu trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp đầu vào hoạt động, lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, chất lượng. Đồng thời, vai trò của các hộ gia đình, các tổ nhóm, HTX chăn nuôi không thể thiếu trong chuỗi liên kết này.

Hình thành văn hóa, trách nhiệm trong liên kết chuỗi

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 20 HTX/123 HTX thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Liên kết theo chuỗi cũng được xác định là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp. Từ đó nâng cao được chất lượng nông sản và chuyển sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường. Liên kết cũng khắc phục những mặt hạn chế của tình trạng sản xuất đơn lẻ như thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, kinh nghiệm sản xuất, đầu ra bền vững.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn như quy mô nhỏ, năng lực yếu, hạn chế về vốn, khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật còn thiếu tính đồng bộ, tính liên kết giữa nông dân và DN chưa chặt chẽ… Đây là những rào cản cần sớm được tháo gỡ để liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, hiệu quả.

Chăn nuôi theo chuỗi liên kết giúp nông dân có đầu ra bền vững. Trong ảnh: Ông Phạm Nhật Trường, ấp 2, xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) chăm sóc đàn heo.
Chăn nuôi theo chuỗi liên kết giúp nông dân có đầu ra bền vững. Trong ảnh: Ông Phạm Nhật Trường, ấp 2, xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) chăm sóc đàn heo.

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đang triển khai nhiều chính sách thúc đẩy, hỗ trợ nâng cao năng lực, xây dựng các HTX nông nghiệp mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với các DN. Đồng thời, cần nâng cao kỹ năng, kiến thức và hình thành văn hóa, trách nhiệm trong liên kết chuỗi cho nông dân, cũng như nâng cao vai trò dẫn dắt, quản lý của Nhà nước trong việc tổ chức liên kết sản xuất hiệu quả và bền vững. 

Theo đó, Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND (NQ21) về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu lực từ tháng 12/2020, các bên tham gia sẽ được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường; hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị; xây dựng công trình hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng mô hình liên kết điểm bao gồm: chi phí mua giống, thiết bị, vật tư thiết yếu cho các HTX, trang trại để xây dựng mô hình liên kết điểm nhưng không quá 1 tỷ đồng/1 mô hình.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác, sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã cho các bên tham gia liên kết; hỗ trợ 40% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/1 dự án liên kết khi áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

Bên cạnh đó, ngày 13/7/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND phê duyệt Dự án xây dựng chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến nâm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến mục tiêu nhằm hình thành 19 chuỗi liên kết giá trị gia tăng và ATTP chăn nuôi. Trong đó, 8 chuỗi liên kết chăn nuôi heo, 8 chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm và 3 chuỗi liên kết trứng gia cầm. Bảo đảm 75% sản phẩm chăn nuôi cung ứng ra thị trường trên địa bàn tỉnh được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gia tăng và ATTP, với quy mô 396 ngàn con heo, 6,3 triệu con gia cầm, 420 ngàn con gia cầm đẻ…

LAM GIANG

 

;
.