Thời điểm này, các siêu thị và trung tâm thương mại đã tăng lượng hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Dự báo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lượng hàng hóa bán lẻ trên địa bàn tỉnh sẽ tăng từ 5-30% so với Tết Quý Mão.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị GO! Bà Rịa. |
Nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng
Ghi nhận tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cho thấy, thời điểm này, hàng hóa phục vụ Tết như: may mặc, gia dụng, bánh kẹo, mứt, thực phẩm, nước giải khát… đã đầy ắp các quầy kệ, sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trên các kệ hàng, hàng Việt Nam chiếm ưu thế với tỷ lệ 80-95%.
Theo bà Huỳnh Kim Mỹ, Giám đốc siêu thị GO! Bà Rịa, lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Siêu thị cũng đã đưa lên kệ hàng chục mẫu giỏ quà Tết với mức giá từ 99 ngàn đến hơn 2 triệu đồng/giỏ để phục vụ nhu cầu biếu tặng, các DN làm quà cho cán bộ, công nhân viên. Trong đó các giỏ quà ở mức giá từ 200-500 ngàn đồng/giỏ được khách hàng chọn lựa nhiều nhất.
Khách hàng mua sắm tại Co.op Mart Vũng Tàu. |
Co.op Mart Vũng Tàu cũng tăng khoảng 50% nguồn hàng phục vụ nhu cầu Tết. Ông Trần Công Hiếu, Phó Giám đốc Co.op Mart Vũng Tàu cho biết, trong hơn 20 ngàn mặt hàng bán tại siêu thị, lượng hàng Việt Nam chiếm 95%. Bên cạnh đó, siêu thị cũng đưa ra các nhóm nhãn hàng riêng Co.op với mức giá thấp hơn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Trên kệ hàng, giỏ quà Tết đã được trưng bày, với mức giá thấp nhất là 99 ngàn đồng/giỏ với các loại sản phẩm chủ yếu là nhu yếu phẩm như: dầu ăn, bánh kẹo, nước giải khát… Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá cho hàng ngàn mặt hàng để kích cầu tiêu dùng cũng đang được siêu thị triển khai.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh, gồm: gạo và lương thực khác hơn 26.355 tấn; thịt các loại hơn 1.300 tấn; dầu ăn gần 680 ngàn lít; tôm cá hơn 3.159 tấn; đường, mật, sữa, bánh, mứt, kẹo hơn 336 tấn; nước mắm, nước chấm 36,5 ngàn lít; rau củ các loại hơn 15.395 tấn; rượu, bia hơn 63 ngàn thùng; đồ uống khác hơn 27 ngàn thùng; thực phẩm chế biến (giò, chả, xúc xích, thịt hun khói…) hơn 94 tấn; thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn hơn 1.396 tấn.
(Nguồn: Sở Công thương)
|
Tăng nguồn cung
Theo Sở Công thương, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thị trường tiêu dùng hàng hóa sẽ sôi động, khi nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng cao. Đặc biệt, hoạt động mua sắm Tết Nguyên đán sẽ bắt đầu tăng sau ngày 23 tháng Chạp đến 29 tháng Chạp (từ ngày 2/2/2024 đến 8/2/2024). Dự báo, tổng mức bán lẻ hàng hóa tại các địa phương trong tỉnh tăng từ 5-30% so với Tết Quý Mão 2023. Vì vậy, khả năng cung ứng một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán cho khoảng 1,17 triệu dân tại tỉnh ước tính đạt khoảng 1.366 tỷ đồng (tăng 10,3% so với thực hiện Tết năm 2023).
Khách hàng thanh toán tại siêu thị GO! Bà Rịa. |
Nguồn cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh được nhập từ các tỉnh, thành khác trong cả nước và từ nguồn sản xuất tại tỉnh. Đối với lương thực, 70% được mua từ các tỉnh miền Tây, Bình Thuận, 30% còn lại là tự cân đối trong tỉnh. Mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản có 81% mua trong tỉnh, 19% mua từ các tỉnh khác. Thực phẩm công nghiệp, đóng gói, chế biến sẵn, chủ yếu mua từ các nhà máy, công ty sản xuất lớn ở: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương; rau, hoa quả các loại, khoảng 40% tự cung ứng từ các huyện trong tỉnh; 60% mua từ Đà Lạt và các tỉnh miền Bắc…
Khách hàng mua sắm tại Co.op Mart Vũng Tàu. |
Bên cạnh đó, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, ngăn chặn và xử lý hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại. Sở cũng tập trung kiểm tra giá bán các mặt hàng thiết yếu, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU