Ngư trường cạn kiệt nhưng hoạt động khai thác hải sản thời gian qua vẫn đạt sản lượng khá ổn định. Có được điều này là nhờ ngư dân chú trọng hơn trong cải thiện kỹ thuật, công nghệ và quy trình đánh bắt.
Máy làm đá sệt bảo quản cá trên tàu ông Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP.Vũng Tàu) giúp tăng lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/chuyến biển so với dùng đá xay truyền thống. |
Tăng hiệu quả khai thác
Một trong những thay đổi làm tăng giá trị hải sản là đổi mới phương thức bảo quản. Các hầm chứa cá vật liệu PU, composite (theo công nghệ lạnh thấm, lạnh nhanh) được ngư dân sử dụng nhiều hơn, gắn liền với việc bảo quản cá bằng đá sệt làm từ nước biển.
Ông Lê Đức Hiển (ấp Bến Lội, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) là một trong số những ngư dân đầu tư hầm bảo quản cá theo công nghệ CPF, sử dụng vật liệu composite. Hầm bảo quản CPF này do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty PUFOAM chuyển giao. Ông Hiển cho biết, các loại cá thu, cá ngừ chứa trong hầm công nghệ CPF thì mức độ tươi ngon tăng từ 50% lên 70% so với hầm gỗ. Lượng cá không đạt chất lượng (cá dạt) sau chuyến biển giảm từ 40% xuống dưới 20%.
Nếu như trước đây, bình quân một chuyến biển (2 tháng), tàu cá của ông Hiển thu về khoảng 10 tấn cá. Trong đó lượng cá dạt lên đến 4 tấn, thì nay chỉ còn 2 tấn. Cá được bảo quản chất lượng, nên giá bán cao hơn. Doanh thu mỗi chuyến biển đạt 550 triệu đồng, tăng khoảng 100 triệu đồng so với trước. Ngoài ra, lượng đá cây tiêu thụ cũng giảm từ 1.000 cây xuống còn 650 cây, lợi thêm 4,2 triệu đồng.
“Với chi phí đầu tư hầm khoảng hơn 240 triệu đồng, thì chỉ cần đi 2,5 chuyến biển là đã lấy lại vốn. Đó là chưa nói đến khoản lợi khác mà hầm CPF đem lại. Loại hầm này được bảo hành đến 20 năm. Trong khi hầm gỗ chỉ 4-5 năm là phải đóng mới. Mỗi lần đóng mới tốn 140 triệu đồng. 20 năm với 5 lần đóng mới cũng đã mất tới 700 triệu đồng”, ông Hiển tính toán.
Ngày càng có nhiều tàu cá đầu tư hầm bảo quản composite giúp tăng chất lượng sản phẩm và giá bán. |
Nhận thấy ngư trường ngày càng cạn kiệt, bên cạnh các loại máy định vị, máy ra đa, ông Nguyễn Hoàng Anh (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) mạnh dạn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng mua máy tầm ngư dạng chụp, có thể chụp hình ảnh vùng biển, luồng cá trong vòng bán kính hơn 1km. “Từ khi có máy tầm ngư mới, hiệu quả đánh bắt tăng lên gấp 2 lần so với máy quét tầm ngư tầm hẹp “, ông Hoàng Anh cho biết.
Đội tàu của ông Nguyễn Hoàng Anh cũng đầu tư hệ thống đèn LED dẫn dụ cá. Hệ thống đèn LED được bố trí đều hai bên mạn tàu và phía sau lái, lắp đặt phía trên cabin tàu cố định vào khung thép. Năng suất khai thác trung bình của tàu lưới vây sử dụng đèn LED đạt 2,8 tấn/mẻ, cao hơn tàu lưới vây sử dụng đèn truyền thống 0,2-0,9 tấn/mẻ. Sản lượng trung bình đạt 23,6 tấn/chuyến/tháng, cao hơn sản lượng trung bình của tàu sử dụng đèn truyền thống khoảng 2 tấn/tháng.
Nhiên liệu dầu diesel sử dụng cho máy phát điện để chong đèn thu hút cá sử dụng đèn LED tiết kiệm được 56,4% nhiên liệu so với tàu sử dụng đèn truyền thống. Mỗi đêm trung bình tiết kiệm bình quân khoảng 57 lít dầu, tương đương mỗi chuyến biển tiết kiệm trung bình khoảng 1.100 lít dầu diesel. Lợi nhuận trung bình của chuyến biển đối với tàu sử dụng đèn LED cao hơn khoảng 25,3% so với tàu sử dụng đèn truyền thống, trung bình khoảng 70,4 triệu đồng/chuyến/tháng.
Trang bị máy móc hiện đại
Theo Sở KH-CN, việc ứng dụng tiến bộ KH-CN trong khai thác thủy hải sản trong tỉnh đang diễn ra khá tích cực. Ngày càng có nhiều tàu cá chú trọng đầu tư máy móc hiện đại, công nghệ cao để tăng hiệu quả khai thác, giảm chi phí.
Anh Nguyễn Quốc Cường, thuyền trưởng tàu cá BV 96999-TS (Cảng cá Phương Vy, xã Phước Hưng, huyện Long Điền) kiểm tra các loại máy móc (máy tầm ngư, giám sát hành trình,...) trước khi xuất bến. |
Đến nay, số lượng tàu thuyền khai thác hải sản ứng dụng tiến bộ KH-CN như trang bị điện tử hàng hải: máy định vị, thiết bị thông tin, liên lạc khá cao (khoảng 5.506 tàu). Ngoài ra còn có 5.506 tàu trang bị máy đo độ sâu, 3.626 tàu có máy dò đàn cá, 338 tàu vừa trang bị máy đo độ sâu, máy tầm ngư kết hợp hệ thống đèn LED dẫn dụ cá. Số tàu cá trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt cũng đã đạt gần 300 tàu.
Việc cải tiến công nghệ cho tàu đánh bắt xa bờ không chỉ giúp ngư dân thuận tiện trong quá trình đánh bắt, bảo quản mà còn tạo chuyển biến tích cực về chất lượng sản phẩm đánh bắt, giúp tăng giá trị sản phẩm, nâng cao lợi nhuận, để ngư dân có thể tiếp tục bám trụ trên ngư trường.
Bài, ảnh: NGỌC MINH