Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp
Ngày 19/12, Sở KH-CN phối hợp với Viện Đổi mới sáng tạo toàn cầu tổ chức hội nghị “Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp và xu hướng kết nối”. Đây là vấn đề mà nhiều DN, nhà sản xuất quan tâm hiện nay, trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập ngày càng sâu rộng.
Sake Toàn Cầu đang có kế hoạch chuyển đổi xanh và lấy tín chỉ carbon để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu. Trong ảnh: Sơ chế trái sa kê ở Công ty TNHH Sake Toàn Cầu. Ảnh: ĐINH HÙNG |
Bảo vệ môi trường và đẩy mạnh xuất khẩu
Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh (Green Transformation) là quá trình sử dụng chiến lược và công nghệ để giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững. Mục tiêu của chuyển đổi xanh bao gồm giảm lượng khí nhà kính, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và xây dựng danh tiếng môi trường tích cực.
Tại hội nghị, ông Ngô Hữu Thống, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo DN cho rằng, chuyển đổi xanh là xu thế bắt buộc nếu các DN Việt Nam muốn tham gia vào thị trường toàn cầu. Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong chuyển đổi xanh, có nền nông nghiệp phát triển mạnh, độ phủ xanh lớn, lượng khí phát thải nhà kính thấp.
Chính phủ cũng đang có những chương trình hành động quyết liệt hướng tới chuyển đổi xanh. Tháng 12/2022, Việt Nam và nhóm đối tác Quốc tế - IPG (bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch) đã ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP) tại Brussels (Bỉ) nhận sự hỗ trợ chuyển dịch xanh trong 3-5 năm tới, dự kiến cắt giảm tới 500 triệu tấn khí thải đến năm 2035. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhấn mạnh tăng trưởng xanh gắn với đầu tư công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng thông minh và bền vững.
Công ty TNHH Sake Toàn Cầu mời chuyên gia tư vấn người Mỹ về hướng dẫn chuyển đổi xanh và lấy tín chỉ carbon. |
Chuyển đổi xanh kết hợp chuyển đổi số
Không chỉ hướng tới chuyển đổi xanh trong sản xuất, nhiều DN còn có tham vọng lấy tín chỉ carbon nhằm nâng tầm cho uy tín của thương hiệu sản phẩm xuất khẩu qua Mỹ, châu Âu.
Ông Phạm Đông Huy, Giám đốc Công ty Sake Toàn Cầu cho biết, hưởng ứng kế hoạch cắt giảm 500 triệu tấn khí thải đến năm 2035 mà Chính phủ Việt Nam ký kết với các nước trên thế giới, trong năm 2023 công ty đã đẩy mạnh việc chuyển đổi xanh trong toàn hệ thống từ khâu canh tác, sản xuất đến thị trường.
Công ty đã đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng trong giai đoạn 1 để xây dựng hệ thống nhà xưởng sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió để giảm phát khí thải carbon, đóng gói sản phẩm bằng giấy và thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tuần hoàn, tận dụng tất các phụ phẩm từ cây sake để bảo đảm không thải ra môi trường bất cứ phế phẩm gì có hại. Vùng nguyên liệu cũng trồng theo hướng hữu cơ, không có thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, nguồn nước bảo đảm tiêu chuẩn vi sinh...
Chuyên gia hướng dẫn DN chuyển đổi số kết hợp với chuyển đổi xanh, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để tăng hiệu quả kinh doanh. |
“Và tất nhiên việc chuyển đổi xanh này phải được thực hiện trên nền tảng công nghệ số, số hóa toàn bộ quy trình từ khâu trồng trọt, sản xuất, logictis, quản lý nhân sự, vận hành nhà máy đến phát triển thị trường (trong và ngoài nước). Từ đó giúp DN nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chi phí, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh và uy tín của DN về bảo vệ môi trường”, ông Huy cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo toàn cầu việc kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số không chỉ là xu hướng phát triển, mà còn là một chiến lược quan trọng để tối ưu hóa hiệu suất kinh doanh và đồng thời đảm bảo rằng DN đang có ảnh hưởng tích cực đối với môi trường và xã hội”.
Tuy nhiên, triển khai chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đòi hỏi đầu tư lớn và có thể là thách thức cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DN mới khởi nghiệp. “Sở KH-CN có những hoạt động hỗ trợ DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp chuyển đổi xanh như hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, marketing, quảng bá DN; tổ chức các lớp đào tạo về xây dựng thương hiệu, vận hành DN, thay đổi văn hóa tổ chức, chuyển đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống mới, quản lý dữ liệu, bảo vệ an ninh thông tin, cũng như việc đảm bảo nguồn nhân lực và tài nguyên đủ để triển khai, duy trì chuyển đổi số và xanh”, ông Đỗ Vũ Khoa, Trưởng Văn phòng Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở KH-CN cho biết.
NGUYÊN MINH