.

Bài toán gia nhập chuỗi giá trị của DN nhỏ và vừa

Cập nhật: 18:36, 19/12/2023 (GMT+7)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh ngày càng lớn mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung. Tuy nhiên, DNNVV chưa tham gia được vào khâu cốt lõi cụm liên kết ngành, chủ yếu mới tham gia cung cấp các phụ liệu và dịch vụ hỗ trợ bên ngoài, do đó, chưa hình thành được chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sau hội thảo sẽ cùng với đơn vị tư vấn hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt để kịp thời hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sau hội thảo sẽ cùng với đơn vị tư vấn hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt để kịp thời hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn tỉnh.

Đó là đánh giá tại hội thảo góp ý đề án thực trạng, năng lực DNNVV lĩnh vực công nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, diễn ra sáng 19/12 do Sở Công thương và đơn vị tư vấn tổ chức.

DNNVV chưa “chen chân” được vào chuỗi giá trị

Trình bày tóm tắt dự thảo đề án, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Đồng Tiến (đơn vị tư vấn) nhận định, Bà Rịa-Vũng Tàu mới hình thành được một số cụm ngành, gồm chế biến nông, lâm thủy sản, dệt may-da giày, hóa chất, cơ khí chế tạo và luyện kim. Tuy nhiên, các cụm ngành này chưa thực sự là cụm liên kết “đúng nghĩa”. Quan hệ hợp tác chủ yếu là dưới dạng ký kết các hợp đồng mua bán ngắn hạn, các chuỗi giá trị chưa được hình thành, hầu như không có quan hệ cổ phần hay cùng góp vốn triển khai dự án.

Đặc biệt, sự tham gia của DNNVV vào các cụm liên kết ngành này còn khá hạn chế, chủ yếu sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào và sản xuất sản phẩm cuối cùng. Không có DN nào chuyên tham gia sản xuất ở khâu cuối cùng của chuỗi giá trị là nghiên cứu và phát triển, thiết kế, tạo thương hiệu…

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là nhiều DN chưa xây dựng được triết lý kinh doanh; chưa có chứng nhận và quy trình quản lý chất lượng. Nhiều DN không có lộ trình đào tạo phát triển và giữ chân nhân tài, công tác đào tạo tại chỗ chất lượng không cao; chưa hay thậm chí không có kế hoạch nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Trong khi đó, các sản phẩm hiện tại lại chưa đáp ứng đúng nhu cầu của các DN lớn trên địa bàn tỉnh.

“Nhiều DN lớn của tỉnh chưa thể dẫn dắt, “lan tỏa” tới các DNNVV. Một số DN FDI chưa thực sự cởi mở để tạo điều kiện cho DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và chỉ hợp tác với DN trên địa bàn tỉnh trong cung cấp các dịch vụ tại chỗ và các phụ liệu, đóng góp giá trị rất nhỏ trong cấu thành giá trị sản phẩm”, đại diện đơn vị tư vấn nhận định.

Thúc đẩy DNNVV “vào” cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị

Tại hội thảo, ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, việc thúc đẩy DNNVV Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển lớn mạnh, bền vững, đủ năng lực tham gia sâu rộng vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Do đó, giải pháp là cần đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị DN; hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới; hỗ trợ tăng cường hệ thống quản lý chất lượng của DNNVV; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến quảng bá, phát triển thị trường; hỗ trợ liên kết, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng, lãi suất; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hoạt động tư vấn cho DN.

DNNVV trong sản xuất công nghiệp tỉnh cần được hỗ trợ, đồng thời chủ động, sáng tạo để phát triển lớn mạnh, tham gia chuỗi giá trị. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Alita Tech (TX.Phú Mỹ).
DNNVV trong sản xuất công nghiệp của tỉnh cần được hỗ trợ, đồng thời chủ động, sáng tạo để phát triển lớn mạnh, tham gia chuỗi giá trị. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Alita Tech (TX.Phú Mỹ).

Đề án cũng định hướng một số nhóm cụm liên kết ngành mà các DNNVV có cơ hội lớn để tham gia và phát triển mạnh mẽ là chế tạo cấu kiện nổi như lắp đặt giàn khoan, giàn sản xuất cấu kiện nổi ngành dầu khí; chế tạo cấu kiện điện gió như kết cấu trụ móng tuabin, cánh quạt… và cụm ngành hóa dầu (các ngành trung và hạ nguồn hóa dầu).

Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Nam Phương Xanh (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) cho rằng, DNNVV không chỉ chú trọng tham gia các cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị trong tỉnh, mà còn phải “mở rộng” tầm nhìn hướng ra quốc tế để làm phong phú hệ sinh thái và tìm được nhiều cơ hội hơn. Đồng thời, không chỉ trông chờ hỗ trợ mà phải chủ động, sáng tạo nâng cao năng lực sản xuất lẫn quảng bá của DN mình.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, DNNVV lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh đánh giá cao nội dung dự thảo đề án, đồng thời, đóng góp một số nội dung như: Làm rõ hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong hỗ trợ DN; đánh giá rõ hơn thực trạng nguồn nhân lực trong DNNVV hiện nay để có giải pháp hỗ trợ tốt nhất...

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.