.

Tham gia HTX để tăng sức mạnh đàm phán cho các sản phẩm chăn nuôi

Cập nhật: 14:59, 25/12/2023 (GMT+7)

Nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tăng sức mạnh đàm phán trong giá cả đầu vào, tiêu thụ sản phẩm…, việc tham gia các HTX là một trong những giải pháp hiệu quả.

Chăn nuôi an toàn, liên kết chuỗi 

Ông Lê Tấn Hoàng, ở ấp Phú Sơn, xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) gắn bó với nghề chăn nuôi heo từ hơn chục năm nay. Tuy nhiên, cũng đã có thời điểm ông phải bỏ chuồng vì dịch bệnh và giá heo thương phẩm xuống thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Quay lại với nghề vài năm trở lại đây, ông Hoàng quan tâm đến việc đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi gối đầu các lứa heo nhằm giảm thiểu thấp nhất rủi ro. Ông cũng đã tìm hiểu và tham gia HTX chăn nuôi Hòa Hiệp.

Chăm sóc heo tại HTX chăn nuôi Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc).
Chăm sóc heo tại HTX chăn nuôi Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc).

“Trước đây chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, tôi găp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với tình trạng giá cả lên xuống thất thường, rồi phụ thuộc mối lái. Năm nào tới kỳ xuất chuồng giá heo hơi cao thì người nuôi còn mừng, giá heo xuống thấp thì coi như cầm chắc lỗ. Qua tham khảo, tôi biết rằng cần tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ mới có thể phát triển được nên tôi quyết định tham gia HTX. Vào HTX, tôi được tập huấn kiến thức về chăn nuôi an toàn và đầu ra ổn định hơn”, ông Hoàng nói.

Với mong muốn tăng cường liên kết để tiếp cận chuỗi chăn nuôi giá trị đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho hộ thành viên và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đầu tháng 11 vừa qua, HTX chăn nuôi Hòa Hiệp đã chính thức đi vào hoạt động với 7 thành viên - là các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn xã, quy mô gần 5.000 con heo thương phẩm.

Ông Mai Xuân Du, Giám đốc HTX cho biết, HTX thành lập nhằm hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng quá trình nuôi an toàn. Khi tham gia liên kết chuỗi, HTX, người nuôi không chỉ thay đổi thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy trình an toàn (từ nguồn giống đến thức ăn, quy trình nuôi…) mà còn tăng sức mạnh đàm phán trong việc tìm kiếm các thị trường tiêu thụ lớn.

Có đầu ra bền vững

Nhờ tham gia HTX mà các hộ chăn nuôi vịt đẻ trứng trên địa bàn xã Tam Phước, huyện Long Điền đã có đầu ra ổn định, không còn nỗi lo giá cả lên xuống thất thường, trứng không biết bán cho ai.

Cuối năm 2022, nhiều hộ chăn nuôi vịt đã tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ - Thương mại Hà Phát (sau đây gọi là HTX Hà Phát). Bà Lâm Thị Thu Hà, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Hà Phát cho biết, khi thành lập, HTX Hà Phát có 7 thành viên, đến nay, tăng lên 11 người. Việc thành lập HTX với mong muốn hỗ trợ các thành viên kỹ thuật chăn nuôi vịt đẻ lấy trứng và có đầu ra ổn định. Trung bình mỗi ngày HTX tiêu thụ khoảng 50 ngàn trứng đi các thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

“Việc thành lập HTX giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã xây dựng mô hình sản xuất tập trung theo quy trình, bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời tăng sức đàm phán thông qua HTX. Nhờ đó, đến nay sau gần 1 năm đi vào hoạt động, đầu ra của trứng vịt Tam Phước đã ổn định. Hiện nay, trứng vịt Tam Phước đã được công nhận OCOP 3 sao cấp huyện. Đây cũng là tiền đề để nâng cao giá trị của trứng vịt Tam Phước trên thị trường”, bà Lâm Thị Thu Hà cho biết thêm.

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 400 ngàn con, tổng đàn gia cầm 6,7 triệu con. Tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng trên thực tế, hình thức chăn nuôi vẫn chủ yếu là nông hộ nhỏ lẻ, việc liên kết sản xuất với DN trong thu mua sản phẩm chưa có cơ chế rõ ràng và ổn định, vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, chất lượng sản phẩm thiếu chặt chẽ... Trước thực trạng đó, hơn lúc nào hết, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang là đòi hỏi tất yếu của ngành chăn nuôi.

Trong điều kiện thực tế hiện nay, giá heo, gà thương phẩm không ổn định, nguồn gốc sản phẩm chưa rõ ràng, chưa có quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn… thì việc xây dựng thương hiệu thịt heo sạch, sản lượng lớn, giá cả hợp lý nhằm đảm bảo được tính cạnh tranh và phát triển bền vững của các hộ chăn nuôi. Các HTX là cầu nối góp phần giúp người chăn nuôi tìm được đầu ra cho sản phẩm, bán được giá tốt nhất và cũng là nơi để các cấp ngành chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người chăn nuôi.

Cụ thể, đối với giá cả đầu vào như giống, thức ăn, thuốc thú y… khi tham gia HTX, các thành viên sẽ được HTX hỗ trợ mua với giá cạnh tranh và tại các cơ sở cung cấp uy tín của do các thành viên HTX kinh doanh hoặc các cơ sở HTX giới thiệu. Từ đó giúp quản lý được nguồn gốc giống, thức ăn, thuốc thú y từ các công ty đảm bảo quy định àn toàn của Nhà nước.

Mặt khác, các HTX cũng phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ người nuôi kiến thức, quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm để tạo ra các sản phẩm chăn nuôi đồng đều, có giá trị cao.

Trong khi đó, với đầu ra của sản phẩm, HTX sẽ bao tiêu sản phẩm chăn nuôi cho các thành với giá cả ổn định. Đồng thời đây cũng là chủ thể giúp người chăn nuôi tăng được sức mạnh đàm phán để tìm kiếm các thị trường lớn, ổn định cho các sản phẩm chăn nuôi.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.