.

Cà phê được giá, nông dân phấn khởi

Cập nhật: 18:04, 11/12/2023 (GMT+7)

Giá cà phê liên tục tăng và đang ở mức 59.000-60.000 đồng/kg, cao nhất trong 15 năm qua. Có lãi, thu nhập tăng, người trồng cà phê rất phấn khởi.

Ông Võ Ngọc Thanh chăm sóc vườn cà phê của gia đình.
Ông Võ Ngọc Thanh phấn khởi vì cà phê được giá.

Cà phê được giá

Những ngày này, gia đình ông Võ Ngọc Thanh (ở thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) đang bước vào vụ thu hoạch cà phê. Gia đình ông trồng 400 gốc cà phê giống xanh lùn xen sầu riêng trên diện tích 1,8ha, sản lượng dự kiến khoảng 2 tấn. Mới đầu vụ, thương lái đã thu mua với giá 58.000-59.000 đồng/kg. Ông Thanh tính toán sẽ thu lãi hơn 100 triệu đồng từ vụ cà phê này. "Giá tăng cao, lợi nhuận tốt. Tôi dự tính mở rộng diện tích trồng cà phê thêm 400-500 gốc”, ông Thanh cho hay.

Tương tự, ông Lê Hoàng (ngụ thôn 3, xã Láng Lớn) có 9 sào trồng hơn 1.100 gốc cà phê. Vườn cà phê này đã cho thu hoạch 2 vụ và cây đang độ sung sức nên vụ năm nay dự kiến đạt khoảng 4 tấn, cao gấp đôi so với năm ngoái. Ông Hoàng nhẩm tính, với giá bán 59.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng. 

Theo Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng mạnh và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Niên vụ 2023-2024, giá cà phê sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Dự báo đến tháng 6/2024 nếu các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục giảm lãi suất, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục hưởng lợi, bởi đây là lúc các nhà rang xay trên thế giới mua tích trữ nên giá cà phê giữ ở mức cao. Hiện nay, các thị trường lớn như EU, Mỹ đang có sự thay đổi nhu cầu tiêu thụ từ nhập cà phê nhân chuyển sang cà phê chế biến. Vì vậy, Việt Nam cũng phải ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê và hướng tới phát triển bền vững.

Ông Lê Hoàng (thôn 3, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) chăm sóc  vườn cà phê của gia đình.
Ông Lê Hoàng (thôn 3, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) trong vườn cà phê của gia đình.

Tái canh, mở rộng diện tích

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, tính đến nay toàn tỉnh còn hơn 3.643ha cà phê, giảm hơn 182ha so với cùng kỳ. Hiện nay, hầu hết các vườn cà phê còn lại trên địa bàn tỉnh đều được trồng xen canh với cây hồ tiêu, ca cao hoặc cây trồng khác, không còn cà phê trồng riêng lẻ trên một diện tích đất.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ trồng tái canh 108ha cà phê, tập trung chủ yếu ở huyện Xuyên Mộc và huyện Châu Đức. UBND tỉnh đặt mục tiêu năng suất cà phê ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3-3,5 tấn/ha, thu nhập trên một đơn vị diện tích cà phê sau khi trồng tái canh tăng 1,5 lần so với trước. Việc tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê, tăng khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh.

Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho hay, những năm qua nhịp, độ tái canh cà phê bị chững lại, nay giá cà phê nhân ở mức cao nhất 15 năm qua sẽ là cơ hội để thúc đẩy hộ nông dân mở rộng diện tích canh tác. "Huyện cũng xây dựng kế hoạch, triển khai các mô hình, giống cà phê mới phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để khuyến khích người dân tái canh”, ông Đỗ Chí Khởi nói.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo bà con nông dân có ý định trồng mới cần lựa chọn giống cây cà phê phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, có xuất xứ rõ ràng để đảm bảo chất lượng cây trồng.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

 
.
.
.