Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái thương hiệu
Tối thứ Bảy 9/12, nhân tiện cuối tuần rảnh rỗi nên tôi chở con gái đi mua đôi giày thể thao. Dạo qua nhiều cửa hàng kinh doanh giày dép mà cháu vẫn không ưng ý đôi nào. Bực mình nên tôi cáu, sao con khó tính thế? Nhưng câu trả lời của con khiến tôi giật mình: “Không phải con khó đâu mẹ ạ. Mẹ thấy không, đi các cửa hàng, con thấy đôi giày thể thao nào cũng nhái thương hiệu nổi tiếng của thế giới như Gucci, Adidas, LV, Burberry, Dior… Mang giày như vậy con xấu hổ lắm”.
Lời con nói đúng như vậy thật. Không chỉ giày thể thao mà các loại giày dép, túi xách thời trang khác nhái thương hiệu cũng bày bán nhan nhản tại nhiều cửa hàng, thậm chí tràn lan trên vỉa hè. Giá bán các sản phẩm này chỉ từ 200-500 ngàn đồng, rẻ hơn vài chục đến trăm lần so với đôi giày hoặc túi xách của thương hiệu chính hãng.
Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bày bán tại các cửa hàng, chợ mà còn được rao bán tràn lan trên môi trường trực tuyến. Mặc dù không ít lần cơ quan quản lý thị trường ra quân, phát hiện và xử phạt tình trạng vi phạm trong kinh doanh hàng gian, hàng giả, nhái thương hiệu, nhưng trên thực tế, việc vi phạm vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, sức khỏe, tài chính cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời, ảnh hưởng đến uy tín của các thương hiệu chân chính. Nhận định của cơ quan chức năng cũng cho thấy, hành vi sản xuất, tiếp thị, mua bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có xu hướng gia tăng, đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức. Điều này đã và đang gây không ít khó khăn cho công tác thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiệt hại cho cả DN sản xuất và người tiêu dùng.
Hiện nay, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của nước ta đã khá hoàn chỉnh, cụ thể như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh, Luật thương mại… Tuy nhiên, trong quá trình thực thi công vụ, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Đặc biệt, hiện đang là thời điểm chuẩn bị Tết Nguyên đán 2024, nhu cầu mua sắm dự báo sẽ tăng cao. Đây cũng là thời điểm mà gian thương thường trà trộn hàng gian, hàng giả, hàng nhái để kinh doanh.
Tuy nhiên, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái thì ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng phải nâng cao nhận thức, kiên quyết từ chối sản phẩm làm nhái thương hiệu. Có như vậy mới góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh.
LAM GIANG