An toàn từ chuồng trại đến người tiêu dùng

Thứ Hai, 25/12/2023, 15:13 [GMT+7]
In bài này
.

Chăn nuôi sạch, an toàn đã quan trọng, nhưng để có sản phẩm “sạch từ chuồng trại đến bàn ăn” cần chuỗi liên kết chặt chẽ giữa DN, người chăn nuôi, các đơn vị cung ứng, phân phối sản phẩm và cả vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Chăn nuôi an toàn sinh học là xu hướng tất yếu

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng đàn heo gần 400 ngàn con và gần 6,6 triệu con gia cầm. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, có kiểm soát, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngày càng có nhiều DN, người chăn nuôi lựa chọn ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn sinh học để định vị thương hiệu trên thị trường. Trong ảnh: Nhân viên Công ty TNHH Trang Linh, huyện Xuyên Mộc kiểm tra sự phát triển của đàn heo trong chuồng lạnh.
Ngày càng có nhiều DN, người chăn nuôi lựa chọn ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn sinh học để định vị thương hiệu trên thị trường. Trong ảnh: Nhân viên Công ty TNHH Trang Linh, huyện Xuyên Mộc kiểm tra sự phát triển của đàn heo trong chuồng lạnh.

Trang trại gà của ông Lý Trung Vân, ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức đang sản xuất theo quy trình an toàn sinh học và minh bạch thông tin sản phẩm. Ông Vân cho biết, trang trại rộng hơn 2ha với 4 dãy chuồng, đang nuôi 8.000 con gà ri miền Bắc, một giống gà cho chất lượng thịt thơm ngon.

“Với mong muốn tạo ra sản phẩm “sạch từ trang trại đến bàn ăn”, tôi xây dựng mô hình chăn nuôi thuận tự nhiên, sử dụng chủ yếu thức ăn như cám gạo, bắp có bổ sung các loại thảo dược như bột nghệ, quế, tỏi để tăng sức đề kháng cho gà”, ông Vân nói.

Đặc biệt, nhờ sử dụng đệm lót cho toàn bộ hệ thống chuồng, không phải sử dụng kháng sinh trong khẩu phần nên sản phẩm thịt gà xuất chuồng bảo đảm chất lượng, an toàn.

Còn tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, trang trại heo Trang Linh được xây dựng và hoạt động từ năm 2002 trên diện tích 70ha, trong đó 25ha sử dụng để chăn nuôi. Trang trại hiện nuôi hơn 38.000 con heo, trong đó có hơn 35.000 con heo thịt và 3.000 con heo nái, ứng dụng quy trình khép kín trong chuồng lạnh với thiết kế một nửa sàn xi măng, một nửa là đệm lót sinh học; xử lý chất thải lỏng màng BioGill trong chuồng; tự động hóa cho heo ăn...

Công nghệ chăn nuôi này giúp DN giảm được chi phí đầu vào như điện, nước, xử lý chất thải; giảm tỷ lệ mắc bệnh của heo, đặc biệt là mắc các bệnh truyền nhiễm, nhờ đó, tăng chất lượng sản phẩm thịt.

Nỗ lực để thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng

Ngoài xây dựng được hệ thống sản xuất sạch từ chuồng trại, cần phải tạo ra chuỗi liên kết giữa DN, người chăn nuôi với các đơn vi phân phối, cung ứng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải trở thành một “mắt xích” quan trọng, với vai trò định hướng, kiểm tra, giám sát để góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết.

Theo đại diện ngành nông nghiệp, muốn tạo ra được chuỗi, DN, người chăn nuôi phải chủ động, công khai, minh bạch trong sản xuất, từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, đến sơ chế, chế biến... Đặc biệt, trong xu thế hội nhập hiện nay, chăn nuôi an toàn sinh học và truy xuất nguồn gốc không còn là khuyến nghị mà đã trở thành điều kiện bắt buộc để các sản phẩm thịt, trứng sản xuất tại Bà Rịa-Vũng Tàu định vị được thương hiệu trên thị trường.

Do đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý, giám sát và kiểm soát sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên thị trường; giúp các cơ sở chăn nuôi xây dựng nhật ký điện tử cho sản phẩm, góp phần tạo ra quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư chất kháng sinh, chất cấm có trong thịt, trứng tại các cơ sở giết mổ, chợ, cửa hàng phân phối; giám sát chặt chẽ và tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, gắn trách nhiệm cho đội ngũ làm công tác thú y địa phương.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra các đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; giám sát chất lượng thức ăn gia súc, đặc biệt là hàm lượng chất kháng sinh, chất cấm được bổ sung trong thành phần thức ăn.

Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ những cơ sở kinh doanh có uy tín, có đăng ký; sản phẩm được bày bán ở nơi đảm bảo vệ sinh và đã được kiểm dịch, có bao bì, tem nhãn, còn hạn sử dụng được chứng nhận bởi cơ quan có trách nhiệm.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.