TP. Vũng Tàu đã tập trung dành nhiều nguồn lực để phát triển mảng xanh đô thị, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu đô thị xanh, đô thị sinh thái vào năm 2025.
Hoa viên Quang Trung - Hạ Long - Lê Lợi ngập tràn cây xanh. |
Mỗi tuyến đường mỗi loài cây
Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn tỉnh có khoảng 140.000 cây xanh các loại, phân bố ở hầu hết các tuyến đường, công viên, điểm công cộng, công sở thuộc 8 huyện, thành phố. Trong đó, TP.Vũng Tàu có số lượng cây xanh đô thị nhiều nhất (khoảng 40.000 cây).
Công tác đầu tư xây dựng và phát triển mảng xanh đô thị luôn được TP.Vũng Tàu quan tâm, coi đó là một tiêu chuẩn của việc xây dựng môi trường sống trong lành cho đô thị biển. Những năm gần đây, thành phố đã thay thế dần các loại cây mọc nhanh, đơn điệu trồng trên đường phố như: phi lao, bạch đàn, tràm bông vàng bằng những loại cây cho bóng mát, có hoa đẹp.
UPC trồng thêm cây hoa huỳnh liên dọc dải phân cách đường 2/9, TP. Vũng Tàu. |
Trên mỗi tuyến đường phố chính trong thành phố đều có một loại cây khác nhau. Chẳng hạn, đường 3/2 thông thoáng và rộng rãi với những thảm bông giấy đủ màu trắng, đỏ, hồng khoe sắc. Vỉa hè có bề rộng 4m trồng cây sao đen xen kẽ cây muồng hoàng yến, tầng dưới là thảm có lá gừng. Cây sao đen, dầu rái được trồng ở đường Nguyễn An Ninh. Cây lim sẹc, bò cạp nước là những loài cây có hoa đẹp được trồng ở đường Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi, Phan Chu Trinh. Cây bằng lăng, cây so đo cam, cây long não trồng trên tuyến đường Lý Tự Trọng…
Đối với các khu vực sát biển thường xuyên bị tác động bởi cát, gió và muối mặn, thành phố chọn cây nho biển (tra). Cây gừa (họ dâu tằm) trồng thành 2 hành lang xanh dọc QL51A cửa ngõ vào TP.Vũng Tàu. Vành đai ven biển đường Hạ Long - Trần Phú được phủ kín cây anh đào, loại cây chịu được gió biển, làm đẹp thêm phong cảnh thiên nhiên miền biển….
Đường 3/2, TP.Vũng Tàu rợp bóng cây xanh và hoa giấy. |
Theo báo cáo của Phòng Quản lý đô thị, hiện số cây xanh trên địa bàn TP.Vũng Tàu đã tăng gấp 8 lần so với năm 1999. Cây xanh có mặt khắp nơi, trên các tuyến đường, trong khuôn viên cơ quan, trường học và khu dân cư. Qua những thước phim từ fly cam có thể nhận thấy rõ, từ các trục đường cửa ngõ, tuyến đường quan trọng như: 3/2, 2/9, 30/4, Võ Nguyên Giáp đến các công viên, hoa viên lớn nhỏ, không gian kiến trúc cảnh quan được nâng lên rõ rệt nhờ hệ thống cây xanh, thảm cỏ, thảm hoa.
Đường Trần Quý Cáp (TP.Vũng Tàu) trồng cây hoa chuông vàng vừa cho bóng mát vừa có hoa đẹp. |
Điều này không chỉ cải thiện môi trường, chất lượng không khí, góp phần nâng cao sức khỏe người dân địa phương, mà còn tạo ấn tượng về mỹ quan đô thị xanh - sạch - đẹp đối với du khách trong và ngoài nước khi đến Vũng Tàu.
Hướng đến đô thị xanh, đô thị sinh thái
Để hướng tới mục tiêu xây dựng Vũng Tàu thành “đô thị xanh”, đô thị sinh thái, UBND TP.Vũng Tàu đã phê duyệt Đề án “Phát triển cây xanh đô thị TP. Vũng Tàu tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, chiến lược của thành phố là bảo tồn, tôn vinh giá trị khung thiên nhiên và giá trị văn hóa đô thị, gìn giữ hình thái đặc trưng của hệ thống rừng ngập mặn trong quá trình phát triển không gian đô thị, gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, TP. Vũng Tàu còn làm nổi bật vai trò “vành đai xanh” đô thị với vùng cửa ngõ chính vào Vũng Tàu là vùng sinh thái sông rạch ngập mặn Cửa Lấp, Long Sơn, Gò Găng và là vùng kết nối giữa 2 đô thị Vũng Tàu - Bà Rịa, kết nối giữa trung tâm hành chính của tỉnh với TP.Vũng Tàu.
Đề án lựa chọn phương án quy hoạch từng phần, giữ lại hệ thống cây xanh hiện trạng, bảo vệ, cải tạo, chăm sóc hệ thống cây xanh trên các tuyến đường đã có, trồng thêm 35 cây xanh vào những đoạn đường còn thưa thớt, mở rộng, điều chỉnh vỉa hè cho phù hợp với quy hoạch giao thông đô thị, thay dần những cây không thích hợp. Trên mỗi con đường trồng một hoặc hai loại cây đặc chủng, tạo nên nét riêng về cây xanh trên mỗi ngả đường, góc phố hình thành nét đặc trưng cho TP.Vũng Tàu.
Theo lộ trình của Đề án “Phát triển cây xanh đô thị TP. Vũng Tàu tầm nhìn đến năm 2050”, từ nay đến năm 2025, thành phố cần phát triển thêm 100ha đất xanh công cộng đô thị và 150.000 cây xanh đường phố, mới có thể hướng đến mục tiêu nâng diện tích xanh đạt tối thiểu 20m2/người. Trong đó, xây dựng đề án xã hội hóa, các quy trình kỹ thuật, vườn ươm, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý… được xem là những giải pháp quan trọng cần ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.
Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3-3,9 độ C khi diện tích đất cây xanh đạt 20-50% diện tích đất đô thị. Đặc biệt, cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30-60%. Đối với các dự án chung cư, hệ thống cây xanh giúp giảm tới 20-25% chi phí sử dụng năng lượng hàng năm cho một gia đình sống ở căn hộ chung cư qua việc điều hòa không khí; chắn gió, giảm tiếng ồn và tăng chất lượng không khí.
|
Theo ông Nghiêm Việt Hùng, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, để phát huy giá trị cây xanh trong chiến lược tổng thể phát triển hệ sinh thái tự nhiên đô thị bền vững, công tác chọn loài cây xanh đã được thành phố phân vùng chức năng nhằm góp phần nâng cao chất lượng không gian, cải thiện khí hậu và hình thành tính đặc trưng cho từng phân khu cũng như đảm bảo sức khoẻ cho hệ thống cây xanh đô thị. Đối với khu vực phát triển du lịch nghỉ dưỡng ven biển, thành phố ưu tiên loài đặc trưng bản địa và miền biển như: dừa, tra, bàng vuông, gừa, kết hợp cây có hoa sắc, hình thái đẹp mắt gọn gàng phù hợp công năng như muồng hoàng yến, sứ thái. Đối với khu vực đô thị sẽ phát triển cây xanh theo xu hướng đa dạng về thành phần loài.
“Ngoài ra, thành phố cũng xác định các loại cây cấm trồng, hạn chế trồng; đồng thời tiếp tục xây dựng quy định về xã hội hóa, huy động sự vào cuộc của người dân và DN trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh để Vũng Tàu trở thành đô thị xanh, đô thị sinh thái”, ông Hùng nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ