Việc quản lý đội tàu và thực hiện công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở các cảng cá khá phức tạp nhưng nguồn nhân lực ở đây lại mỏng, phần lớn là kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao.
Nhân viên Cảng Tân Phước (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) kiểm tra giấy tờ, đối chiếu số lượng hải sản theo nhật ký khai thác của tàu cá vừa cập bến. |
Nhân lực thiếu, chuyên môn hạn chế
Ông Nguyễn Đình Vân, Giám đốc Cảng cá Tân Phước (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, cảng cá có 13 lao động theo biên chế, trong đó 1 người kiêm nhiệm cho công việc ở Văn phòng nghề cá. Văn phòng nghề cá đặt tại các cảng cá có chức năng kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống IUU ghe, tàu ra vào cảng, gồm 4 nhân sự phối hợp của 4 bộ phận: Chi cục Thủy sản, Đồn Biên phòng, lực lượng kiểm ngư và cảng cá.
Nguồn nhân lực ở các cảng cá, văn phòng đại diện nghề cá còn mỏng, nghiệp vụ hạn chế nên công tác quản lý tàu cá ở cảng cá chưa hiệu quả. Trong ảnh: Nhân viên Văn phòng đại diện nghề cá Cảng Tân Phước (huyện Long Điền) kiểm tra giấy tờ tàu cá. |
Tuy nhiên, nhân viên thường trực này vừa kiêm nhiệm công việc ở cảng cá vừa làm đủ việc của công tác phòng, chống IUU như: kiểm tra, giám sát tàu cá ra vào cảng, sản lượng hải sản bốc dỡ; truy xuất nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu qua cảng; kiểm tra nhật ký khai thác; giám sát việc mở máy giám sát hành trình (VMS) của tàu cá; kịp thời thông báo và phối hợp xử lý nếu tàu cá tắt VMS trên 10 giờ hoặc đánh bắt vùng biển nước ngoài.
“Một người mà phải kiêm nhiệm công việc 2 bên nên không thể nào làm xuể. Nhân lực thiếu, trình độ lại hạn chế nhưng theo quy định chúng tôi không được ký hợp đồng lao động nên không thể tăng cường nhân lực”, ông Vân cho biết.
Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Cảng cá Cát Lở (TP.Vũng Tàu) cũng phản ánh nguồn nhân lực cung cấp cho cảng cá và các Văn phòng đại diện nghề cá phục vụ cho công tác IUU vừa thiếu vừa yếu, không bảo đảm kiểm tra, giám sát 24/7 hoạt động của tàu cá. “Trước đây, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang có ngành đào tạo khai thác thủy sản nhưng nay đã bỏ nên cả nước không có trường nào đào tạo ngành này. Các cảng cá không có nguồn cung nhân lực đạt chuẩn nên chủ yếu là tuyển người không có chuyên môn. Vì vậy, trình độ, nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế”, ông Hưng chia sẻ.
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cũng thừa nhận nhân lực ở các cảng cá, Văn phòng đại diện nghề cá còn thiếu và yếu. Nguồn nhân lực tham gia Văn phòng đại diện nghề cá tại cảng cá chủ yếu kiêm nhiệm, không chuyên trách, do đó công tác kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng gặp nhiều khó khăn.
Toàn tỉnh có khoảng 1.600 lao động tham gia gián tiếp phục vụ nghề cá trên bờ. Trong ảnh: Hải sản sau chuyến đánh bắt được đưa lên Cảng Hưng Thái (huyện Long Điền). |
Bổ sung nguồn, tăng cường đào tạo nghề
Theo bà Phạm Thị Na, qua kiểm tra, hầu hết các cảng cá chưa có biện pháp phối hợp thật sự hiệu quả với lực lượng biên phòng, Thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản trong việc xử lý tàu cá vi phạm IUU như: tàu không ghi nhật ký khai thác, số liệu về sản lượng giữa các loài khai thác; vị trí, ngày giờ thu lưới chưa có độ tin cậy cao, tỷ lệ sai số còn cao so với số liệu thực tế hoặc tàu cá hết hạn giấy phép khai thác, hết hạn đăng kiểm; tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
“Việc sắp xếp hồ sơ về công tác chống IUU tại cảng cá chưa thật sự ngăn nắp, khoa học, bảo đảm truy xuất nhanh chưa đáp ứng theo hướng dẫn của Đoàn kiểm tra Bộ NN- PTNT. Kết quả kiểm tra lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm chuyển cơ quan chức năng xử lý cũng còn hạn chế. Thực tế đó cho thấy hoạt động của Văn phòng đại diện nghề cá thời gian qua chưa hiệu quả”, bà Na đánh giá.
Để việc thực hiện công tác phòng, chống IUU được tốt hơn, hướng tới một nghề cá khai thác bền vững, có trách nhiệm, đại diện các cảng cá kiến nghị Nhà nước cần có chương trình đào tạo dài hạn chính quy nguồn nhân lực cho các cảng cá, Văn phòng đại diện nghề cá. Bên cạnh đó, mở các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức về phòng, chống IUU và nghề khai thác thủy sản, quản lý cảng cá, chuyển đổi số... cho nhân viên cảng cá.
Toàn tỉnh có 13 cảng cá đang khai thác sử dụng, gồm: 8 cảng loại II đã được công bố (Cát Lở, Bến Đá, Incomap, Cơ khí tàu thuyền, Hưng Thái, Tân Phước, Lộc An, Bến Lội) và 5 cảng cá loại III (3 cảng loại III đã được công bố: Cảng cá Côn Đảo-Vũng Tàu, Bến Đầm, phường Thắng Nhì và 2 cảng chưa được công bố: Phước Hiệp, HTX Dịch vụ và khai thác hải sản Lộc An). Tổng chiều dài cầu cảng cá khoảng 1.770m trên tổng diện tích vùng đất cảng khoảng 28ha. Năng lực bốc dỡ hàng hóa, thủy sản qua cảng 498.000 tấn/năm. |
Sở cũng đang cho rà soát, kiện toàn bộ máy quản lý, nhân sự các cảng cá nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu công tác chống IUU. Bên cạnh đó, chỉnh sửa hoàn thiện Đề án chuyển đổi nghề theo Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc hoàn thiện nhân lực cho các cảng cá, Văn phòng đại diện nghề cá.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH