Trước xu hướng tiêu dùng gạo chất lượng cao ngày càng tăng, nhiều nông dân trên địa bàn xã An Nhứt (huyện Long Điền) đã chuyển dần mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ. Việc này góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu cho vựa lúa Long Điền.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Điền Võ Văn Nghĩa (thứ 4 từ phải qua) và lãnh đạo xã An Nhứt hỗ trợ vật tư nông nghiệp, giống cho nông dân để thực hiện mô hình sản xuất lúa VietGAP vụ Đông Xuân 2023-2024. |
Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
An Nhứt được xem là vựa lúa lớn của tỉnh với diện tích hơn 450ha, chiếm gần 50% tổng diện tích lúa trên địa bàn huyện Long Điền. Trong đó, HTX Nông nghiệp-Dịch vụ An Nhứt có 1.033 thành viên, đang canh tác 222ha lúa, sản xuất 3 vụ/năm, năng suất đạt từ 7-10 tấn/ha/vụ. Việc sử dụng phân bón hữu cơ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có lợi phát triển, đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn; hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo cân bằng.
Vụ Đông Xuân năm 2022-2023, Hội Nông dân huyện và HTX Nông nghiệp-Dịch vụ An Nhứt đã ký kết với công ty TNHH Phương Nam (TP.Hồ Chí Minh) thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 10ha. Theo đó, công ty cung ứng vật tư nông nghiệp và cam kết thu mua 10 ngàn đồng/kg lúa tươi. Với giá bán này, sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân thu lãi hơn 20 triệu đồng/ha lúa, cao hơn lúa thường chừng 8 triệu đồng/ha.
Với 2ha ruộng, nông dân Đinh Văn Tiên, ở ấp An Lạc, xã An Nhứt cho biết, trồng lúa theo hướng hữu cơ, bà con không phải tiếp xúc với các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Hạt lúa làm ra cũng đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, DN bao tiêu sản phẩm nên bà con ai cũng phấn khởi và sẽ tiếp tục tham gia trong mùa vụ tới.
Theo ông Huỳnh Trọng Chinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp-Dịch vụ An Nhứt, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tuy lợi nhuận chưa cao nhưng hiệu quả của nó là đem lại sản phẩm gạo chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Do thị trường gạo có sự thay đổi về nhu cầu, từ ăn no chuyển sang ăn ngon và bảo đảm chất lượng nên việc sản xuất lúa theo hướng an toàn, sạch là rất cần thiết và HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích. “Để mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ phát triển ổn định và bền vững, thời gian tới, chính quyền địa phương và các cấp Hội Nông dân tiếp tục kêu gọi các DN trong ngoài tỉnh đẩy mạnh liên kết với HTX, với nông dân để có đầu ra ổn định cho lúa hữu cơ”, ông Chinh cho biết thêm.
Hỗ trợ nông dân sản xuất lúa VietGAP
Thực hiện Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Phòng NN-PTNT huyện Long Điền đã hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp sản xuất lúa vụ Mùa 2023 trên địa bàn xã An Nhứt.
Theo đó, 89 hộ nông dân, diện tích canh tác hơn 60ha của các tập đoàn 3, 4 và 5 và HTX được hỗ trợ mỗi ha 60kg lúa giống, 5 chai thuốc BVTV và 625kg phân bón các loại. Đồng thời Phòng NN-PTNT huyện còn hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và phương thức sản xuất, trong đó tập trung vào các quy trình canh tác lúa “3 giảm - 3 tăng”.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng nông sản, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Hội Nông dân xã An Nhứt thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP cho vụ Đông Xuân 2023-2024 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, 24ha của 24 hộ thành viên các Tập đoàn sản xuất 3, 4 và 5 trên địa bàn xã An Nhứt được hỗ trợ mỗi hộ 160kg lúa giống Đài thơm 8, 200kg phân NPK, 200kg phân hữu cơ, thuốc sinh học… Tổng kinh phí thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP là 100 triệu đồng, được trích từ ngân sách huyện.
Ông Trần Công Danh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt cho biết, Liên minh HTX tỉnh cũng đã hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại để xây dựng nhãn hiệu trên lúa theo hướng hữu cơ. Mục tiêu là nâng cao giá trị của hạt lúa, hạt gạo vì sức khỏe cộng đồng. Nhờ đó, năm 2022, sản phẩm gạo Đài thơm 8 của HTX Nông nghiệp-Dịch vụ An Nhứt đã được công nhận OCOP 4 sao.
Bài, ảnh: VÕ NGHĨA - HỮU THUẬN