.

Giảm thất thoát đánh bắt hải sản nhờ ứng dụng công nghệ

Cập nhật: 18:32, 02/11/2023 (GMT+7)

Việc áp dụng các tiến bộ KH-CN cao không chỉ giúp cho các tàu cá tăng năng suất đánh bắt mà còn giảm thất thoát sau khai thác, tăng giá trị hải sản.

TS Nguyễn Xuân Thi - Phân viện nghiên cứu hải sản phía Nam (bên phải) hướng dẫn thuyền trưởng tàu cá BV 91666 TS sửa chữa, bảo dưỡng máy làm đá sệt.
TS Nguyễn Xuân Thi - Phân viện nghiên cứu hải sản phía Nam (bên phải) hướng dẫn thuyền trưởng tàu cá BV 91666 TS sửa chữa, bảo dưỡng máy làm đá sệt.

Giảm tổn thất trong bảo quản sau đánh bắt

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), mặc dù hàng năm ngành khai thác thủy sản Việt Nam đạt sản lượng cao nhưng việc ứng dụng KH-CN trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn hạn chế, tổn thất vẫn ở mức cao. Ước tính mỗi năm Việt Nam phải chịu tổn thất sản lượng khai thác khoảng hơn 400 ngàn tấn, với trị giá khoảng 8.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính của những tổn thất này là do số lượng tàu khai thác, đánh bắt cá trên biển chủ yếu là tàu có công suất nhỏ, thiếu các thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác, chủ yếu áp dụng phương pháp bảo quản truyền thống bằng nước đá xay. Bên cạnh đó, hầu hết các tàu cá nhỏ thường thiếu mặt bằng để phân loại sản phẩm. Thậm chí, nhiều tàu không thiết kế hầm bảo quản sản phẩm đánh bắt theo đúng quy cách, dẫn đến khó khăn trong bảo quản, sơ chế sau khai thác, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm sau đánh bắt. 

Để giảm thất thoát sau khai thác, ông Bạch Văn Phần (ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, ông đang nhờ con trai đến Trường Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh tìm hiểu về công nghệ Nano UFB trong bảo quản cá sau đánh bắt và công nghệ sơn chống hà thay cho loại keo hiện tại. Công nghệ này không những sơn vỏ tàu rất bền mà còn giúp tăng thêm phần giữ nhiệt cho tàu đánh cá, giúp bảo quản các sản phẩm đánh bắt tốt hơn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và giúp bớt hao đá lạnh.

Trong khi đó, đội tàu 4 chiếc nhà ông Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP.Vũng Tàu) lại đang thử nghiệm công nghệ đá sệt trong bảo quản cá sau thu hoạch do Phân viện nghiên cứu hải sản phía Nam chuyển giao. “Đá sệt còn gọi là đá bùn, ở dạng lỏng nên có thể thấm vào tất cả khe hở, bao chặt con cá 100% mà các loại đá xay, đá cây trước đó không làm được, giúp tăng chất lượng bảo quản, độ tươi ngon của con cá lên nhiều sau chuyến biển dài ngày”, ông Ngọc cho biết.

Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ

Theo TS. Nguyễn Xuân Thi, Phân viện nghiên cứu hải sản phía Nam, công nghệ đá sệt làm từ nước biển luôn bảo đảm nhiệt độ tâm cá duy trì từ -1 đến -1,5oC trong suốt quá trình bảo quản cho đến khi tàu về cảng cá. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm tăng bình quân hơn 30% và giảm được từ 3-4,5% tổn thất về trọng lượng so với quy trình bảo quản bằng đá xay hoặc nước đá hiện tại của ngư dân, lại bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh thu chuyến biển từ 25-30 ngày bảo quản hải sản bằng đá sệt tăng lên từ 11-14% so với bảo quản bằng nước đá. Chi phí nhiên liệu chạy hệ thống đá sệt thấp hơn chi phí mua đá cây. Lợi nhuận ròng bảo quản cá bằng đá sệt cao hơn đá xay khoảng 25-35 triệu đồng/chuyến biển. Phân viện đang bắt đầu chuyển giao công nghệ này cho các tàu cá đánh bắt xa bờ ở TP.Vũng Tàu.

Theo Sở KH-CN, ứng dụng tiến bộ KH-CN trong bảo quản sau khai thác thủy hải sản đang diễn ra khá tích cực. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ trang bị hầm bảo quản hải sản vật liệu PU (theo công nghệ lạnh thấm, lạnh nhanh), ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Inox và Polyurethane; thiết bị cấp đông (hệ thống thiết bị cấp đông -18 đến -70oC được sử dụng phổ biến trên tàu cá công nghiệp vỏ sắt hoặc vỏ vật liệu mới ở các nước có nghề cá phát triển); sử dụng công nghệ đá sệt làm từ nước biển để bảo quản hải sản,…

Ông Lê Phước Châu (phường 3, TP.Vũng Tàu) có tàu cá vỏ composite công suất 810CV, chuyên đánh bắt xa bờ cá ngừ đại dương xuất khẩu qua Nhật. Ông Châu cho biết, do tàu vỏ composite nên hầm lạnh cũng được đầu tư vỏ composite, chạy lạnh toàn bộ 24/24 giờ trong suốt hành trình một chuyến đi biển khoảng 25 ngày, bảo đảm được chất lượng sản phẩm bảo quản sau đánh bắt, giữ cá được tươi ngon theo yêu cầu của đối tác.

Hầm lạnh composite giúp bảo quản cá tốt hơn.
Hầm lạnh composite giúp bảo quản cá tốt hơn.

Theo đại diện Sở KH-CN, ứng dụng tiến bộ KH-CN trong khai thác thủy hải sản trong tỉnh đang diễn ra nhanh đối với các cơ sở, chủ tàu khi đầu tư đóng tàu mới. Các tàu này đều trang bị các công nghệ, kỹ thuật hiện đại như vật liệu mới đóng tàu, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu đánh bắt, thu lưới, trang bị hoàn thiện các thiết bị thông tin, điện tử, trang bị máy dò tìm nguồn cá và đầu tư cho các thiết bị bảo quản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong cả quá trình sản xuất. Tuy nhiên, với nhóm tàu cũ việc đầu tư nâng cấp, trang bị mới khá chậm, do việc phải đầu tư vốn khá lớn, đồng thời khi cải tạo cũng khó khăn trong các giải pháp kỹ thuật phức tạp hơn đóng mới, nên các chủ tàu thường e ngại. Hiện còn khoảng 40% số tàu chưa đầu tư cải tạo do hạn chế vốn đầu tư.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

.
.
.