.

EVN hiện chỉ nắm 37% nguồn điện

Cập nhật: 18:22, 02/11/2023 (GMT+7)

Theo Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương, năm 2023, cả nước có gần 80.000MW nguồn điện toàn hệ thống (theo công suất đặt) và đứng đầu khu vực Asean. Về tỷ lệ sở hữu, các DN năng lượng nhà nước gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện chỉ nắm giữ khoảng 47% công suất.

Trong đó, EVN nắm giữ trực tiếp và gián tiếp 37% (10% trực tiếp và 27% gián tiếp qua các tổng công ty phát điện), TKV chiếm 2% (chủ yếu là nhiệt điện), PVN chiếm 8% (chủ yếu là điện khí và thủy điện nhỏ).

Như vậy, cơ cấu nguồn trong hệ thống điện Việt Nam có thay đổi lớn, trong đó nguồn do các DN Nhà nước đầu tư, nắm giữ, đang giảm dần; nguồn điện tư nhân ngày càng tăng đáng kể và dự kiến có thể chiếm gần 1/2 toàn hệ thống vào năm 2030. EVN không còn độc quyền nắm giữ toàn bộ nguồn điện và khâu sản xuất điện như trước năm 2006. 

Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, công suất điện than tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 33% (25.820MW), thủy điện chiếm 28% (22.349MW), năng lượng tái tạo chiếm 26% (20.670MW), điện khí chiếm 11% (8.977MW), còn lại là các nguồn khác.

Bà Rịa-Vũng Tàu hiện là trung tâm điện năng lớn nhất, chiếm 40% tổng công suất của cả nước. Tới đây, khi dự án Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn được xây dựng sẽ bổ sung thêm 21 tỷ kWh điện/năm cho hệ thống điện quốc gia. Cùng với đó là định hướng phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi.

QUANG VINH

 
.
.
.