Giảm rủi ro, tăng lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu

Chủ Nhật, 19/11/2023, 19:35 [GMT+7]
In bài này
.

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương đã giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu có bước phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế, các DN của Việt Nam cũng phải đối mặt với các chính sách bảo hộ thương mại của các nước trước hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, các DN cần chủ động và có kế hoạch ứng phó với việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).

Các DN cần chủ động hơn trong sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó khi bị điều tra, áp dụng PVTM hiệu quả. Trong ảnh: Sản xuất polypropylene tại Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina.
Các DN cần chủ động hơn trong sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó khi bị điều tra, áp dụng PVTM hiệu quả. Trong ảnh: Sản xuất polypropylene tại Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina.

Tính đến tháng 10/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 234 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài từ 24 thị trường. Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, ca basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 27 vụ việc PVTM với hàng hóa nhập khẩu của nước ngoài vào Việt Nam, trong số đó, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp PVTM với 22 vụ việc. 

Trước bối cảnh đó, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ DN xuất khẩu xử lý hiệu quả vụ việc PVTM. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm tiếp cận với các DN trong những ngành có nguy cơ / hoặc bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để cung cấp thông tin, giúp DN hiểu được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương, mặc dù tỉnh có ít trường hợp DN xuất khẩu bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích của DN, thời gian qua, Sở đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về PVTM, trong đó, chú trọng công tác cảnh báo sớm.  Sở thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ.

Sở Công thương cũng khuyến cáo, để tránh bị áp dụng biện pháp PVTM, các DN cần chủ động hơn trong sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó PVTM hiệu quả. 

SONG BÌNH

;
.