Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2023 (gọi tắt là Festival Tôm) là lễ hội lớn nhất về ngành hàng tôm, có quy mô cấp khu vực, được tỉnh Cà Mau lần đầu tiên đăng cai tổ chức.
Sự kiện nhằm giới thiệu những thành tựu, tiềm năng của ngành hàng tôm, các sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau, các tỉnh vùng ĐBSCL đến các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban tổ chức Festival Tôm Cà Mau, nhấn mạnh: “Để đạt mục đích, ý nghĩa nêu trên, trong khuôn khổ sự kiện, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức nhiều hoạt động trên địa bàn TP Cà Mau và các huyện trong tỉnh. Bên cạnh đó, Festival Tôm còn được lồng ghép với Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023 do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Cà Mau tổ chức, càng làm tăng quy mô và ý nghĩa cho sự kiện”.
Không gian triển lãm, thương mại ngành tôm và sản phẩm OCOP khoảng 400 gian hàng với hoạt động trưng bày các mô hình, công nghệ sản xuất giống; công nghệ, thiết bị hỗ trợ quản lý ao nuôi; công nghệ chế biến thuỷ sản; sản phẩm tôm chế biến, đặc sản tươi sống kết hợp với khu vực phục vụ ẩm thực từ các nhà hàng nổi tiếng của tỉnh Cà Mau.
Tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hội thi như: Diễn đàn Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL và chuỗi các hội thảo chuyên đề ngành tôm; các hội thi sản phẩm OCOP… để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh ngành hàng tôm và các sản phẩm OCOP.
Các hoạt động trải nghiệm văn hoá, vui chơi giải trí bao gồm các trò chơi dân gian, lễ hội diễu hành đường phố và tham quan du lịch ở các điểm du lịch đặc sắc của Cà Mau, kết hợp với du lịch trải nghiệm các loại hình nuôi tôm của tỉnh.
Trên tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, UBND tỉnh Cà Mau tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị. Đến nay, đã xác nhận đăng ký gần 400 gian hàng, gồm các hạng mục chủ yếu về ngành tôm (thiết bị dây chuyền, công nghệ chế biến, mô hình nuôi, sản phẩm tôm chế biến, thuỷ sản tươi sống…) và khu vực trưng bày sản phẩm OCOP theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT.
Công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, trang trí hệ thống ánh sáng đường phố đang được UBND TP Cà Mau triển khai thực hiện đồng bộ.
Nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh kinh tế thuỷ sản của tỉnh, tạo cơ hội mời gọi đầu tư, hướng đến phát triển bền vững, các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực phối hợp chuẩn bị các điều kiện tham gia Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023.
“Hiện nay, xưởng đang chạy hết công suất để giải quyết đơn hàng hằng ngày, cũng như chuẩn bị những sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu với khách hàng, đối tác trong tỉnh, cũng như khu vực”, bà Lê Hồng Diệp, chủ hộ kinh doanh Quách Tệt, cho biết.
Huyện Đầm Dơi là một trong những địa phương đứng đầu về các sản phẩm OCOP của tỉnh, với hơn 40 sản phẩm. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện tại, các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Festival Tôm Cà Mau đang được địa phương đẩy mạnh tuyên truyền. Qua đó, có 7 chủ thể đăng ký tham gia vào không gian trưng bày, triển lãm với hơn 20 sản phẩm OCOP.
“Một số sản phẩm tiêu biểu của Năm Căn phải kể đến là bánh phồng tôm, bánh phồng chuối và bánh phồng môn của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát; tôm sú sinh thái của Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm; bánh phồng tôm của Công ty TNHH SX-TM-DV Kiên Cường... Trong đó, 12 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ðây cũng là những sản phẩm tiềm năng huyện đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 4 sao thời gian tới”, ông Lê Văn Sin, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho biết.
Tỉnh Cà Mau đã sẵn sàng đón ngày hội lớn, với phương châm hoàn thiện để hội nhập và phát triển.
Lâm Phú Hữu - Đồ hoạ: Lê Tuấn