Thời gian qua, một số HTX, doanh nghiệp ở huyện Châu Đức đã chú trọng xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, việc được cấp mã vùng trồng theo quy định của nước nhập khẩu đã mở lối cho nông sản Châu Đức rộng đường xuất khẩu.
Vùng trồng thanh long ruột đỏ xuất khẩu của xã Sơn Bình, huyện Châu Đức. |
Sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu
HTX Sầu riêng Liên Đức (xã Xà Bang) được thành lập tháng 10/2023, với 13 thành viên. Hiện nay, HTX có vùng nguyên liệu 23ha, chủ yếu là sầu riêng Ri 6 và sầu riêng Thái. Các thành viên của HTX đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân trong quá trình chăm sóc.
Ông Đoàn Đức Hòa, Giám đốc HTX cho biết, từ một tổ hợp tác trồng sầu riêng trước đây, ngay sau khi thành lập HTX, các thành viên tiếp tục canh tác sầu riêng theo hướng an toàn thực phẩm để giữ vững thị trường xuất khẩu. “Năm 2023 là vụ đầu tiên mà HTX xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Sầu riêng được các DN ký hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu mùa, thu mua tại vườn với giá gần 50 ngàn đồng/kg nên nông dân phấn khởi”.
Do đó, các thành viên HTX coi mã vùng trồng được cấp như tài sản quý, cùng nhau giám sát, áp dụng quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu và các quy định của nước nhập khẩu, tránh trường hợp nông sản không đạt yêu cầu chất lượng, bị trả ngược lại thì mất mát sẽ không chỉ với nông dân mà còn là uy tín, thương hiệu sầu riêng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Tương tự, HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Trường (xã Sơn Bình) đã hình thành vùng nguyên liệu thanh long ruột đỏ hơn 20ha, trong đó 13,1ha đã được cấp mã vùng trồng. Mỗi năm HTX sản xuất từ 8-10 vụ thanh long, năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha/năm. Giá bán thanh long ruột đỏ tùy theo từng vụ, dao động từ 30-40 ngàn đồng/kg. Nông dân thu lợi nhuận 30% trên tổng doanh thu.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trồng thanh long, nông dân Phạm Văn Đạm, thành viên HTX cho rằng, không còn con đường nào khác ngoài việc sản xuất theo quy trình an toàn để có đầu ra ổn định. Trồng đúng quy trình kỹ thuật, trái thanh long sau thu hoạch đảm bảo không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vừa an toàn cho người dùng vừa an toàn cho người trực tiếp sản xuất.
Ông Nguyễn Tiến Lượng, Giám đốc HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Trường cho biết, 3 năm qua, thanh long của HTX được thương lái tỉnh Bình Thuận vào tận nơi thu mua để xuất khẩu sang thị trường các nước, chủ yếu là châu Á. Do đó, ngay khi được cấp mã vùng trồng sang thị trường Trung Quốc vào tháng 7/2023, HTX đã chủ động tìm hiểu yêu cầu của nước nhập khẩu để thực hiện theo.
Đẩy mạnh cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói
Theo Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, thời gian gần đây, số lượng mã vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn huyện không những tăng lên mà còn đảm bảo chất lượng, đáp ứng đúng quy định hiện hành. Để khai thác được các thị trường xuất khẩu tiềm năng, công tác quản lý mã vùng trồng của huyện đang dần hoàn thiện một cách chặt chẽ. Các vùng trồng tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác.
Ngoài chuối già Nam Mỹ được trồng trên diện tích cao su, huyện Châu Đức cũng đã mở rộng các loại cây trồng chủ lực khác như sầu riêng, thanh long ruột đỏ… Riêng với cây sầu riêng của Châu Đức đã được cấp mã vùng trồng khoảng 124ha, hiện diện tích sầu riêng chưa được cấp mã vùng trồng còn rất lớn. Huyện Châu Đức đang phối hợp với các sở ngành của tỉnh xây dựng thêm các vùng nguyên liệu đạt chuẩn để được đối tác cấp mã vùng trồng, đáp ứng yêu cầu về sản lượng xuất khẩu.
Huyện Châu Đức đã thành lập 31 HTX/1.290 thành viên, trong đó có 28 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. 3 HTX được cấp mã vùng xuất khẩu, 1 HTX được cấp mã vùng nội địa. Doanh thu bình quân của 1 HTX là 2,1 tỷ đồng/năm và lãi bình quân của 1 HTX là 860 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 88 triệu đồng/năm.
|
Tháng 4/2023, UBND huyện đã ban hành văn bản hỗ trợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các mã vùng trồng trên địa bàn nhằm thúc đẩy phát triển bền vững nông sản Châu Đức, trong đó có chuối, sầu riêng, thanh long, bơ, mít… theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
UBND huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn, địa phương hỗ trợ các DN, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử; tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, các mã vùng trồng trên địa bàn huyện. Đồng thời, giao Phòng NN-PTNT là cơ quan đầu mối về việc đăng ký, quản lý mã vùng trồng theo quy định.
Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản cho biết, mục tiêu của huyện là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Châu Đức phấn đấu đăng ký ít nhất là 10ha/năm/xã (bao gồm mã nội địa và mã xuất khẩu). Và quan trọng hơn là các sở, ngành, Liên minh HTX, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục hỗ trợ nông dân về vốn, công nghệ sản xuất, thủ tục pháp lý… để DN, HTX và nông dân duy trì được mã vùng trồng, bảo đảm giữ được uy tín cho chất lượng nông sản thì mới có thể xuất khẩu lâu bền và hiệu quả.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - NGỌC LINH