Hiện CTRSH trên địa bàn tỉnh đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Song, lượng CTRSH ngày càng tăng trong khi các dự án xử lý bằng công nghệ tiên tiến chưa được đầu tư xây dựng khiến Bà Rịa-Vũng Tàu phải chịu áp lực lớn từ việc xử lý rác.
Công nhân Công ty VESCO thu gom rác trên đường 2/9, phường 11, TP.Vũng Tàu. |
Rác phát sinh ngày càng tăng
Tuần lễ du lịch 2023 (diễn ra từ ngày 17 đến 19/11), TP.Vũng Tàu đón hàng chục ngàn du khách đến vui chơi, tắm biển, thưởng thức ẩm thực đường phố. Khách du lịch đông kéo theo lượng rác thải cũng tăng mạnh.
Anh Nguyễn Kim Phượng, nhân viên Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu (VESCO) cho biết, trong tuần lễ diễn ra sự kiện trên, anh cùng đồng nghiệp làm cật lực cả ngày vẫn không thu gom hết lượng rác dọc tuyến đường ven biển Hạ Long, Quang Trung, Thùy Vân. Theo anh Phượng, vào các ngày bình thường, đội xe thu gom của anh chỉ phải chạy 1-2 chuyến/ngày thu gom và ép rác đầy xe 8 tấn. Nhưng các ngày đông khách du lịch, lượng rác thu gom tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. “Chúng tôi thường phải làm từ 4 giờ sáng đến 7-8 giờ tối mới xong chuyến xe rác cuối cùng trong ngày ở tuyến ven biển”, anh Phượng nói.
Lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng tạo áp lực lớn cho địa phương trong công tác thu gom và xử lý. Trong ảnh: Công nhân Công ty VESCO thu gom rác trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.Vũng Tàu). |
Theo ước tính của Công ty VESCO, mỗi ngày, TP.Vũng Tàu phát sinh khoảng 400 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, những ngày lễ, Tết hoặc những ngày diễn ra sự kiện, lượng rác sinh hoạt tăng lên đến 600-650 tấn/ngày. “Đó là chưa kể, những năm gần đây, thành phố còn phải chịu áp lực lớn kéo dài 5-6 tháng liên tục từ rác thải đại dương ồ ạt tấn công bãi biển. Do đó, ngoài lượng rác phát sinh hàng ngày, thành phố còn phải xử lý thêm 20-40 tấn rác đại dương/ngày. Áp lực về rác sinh hoạt vì thế ngày càng lớn”, ông Nguyễn Xuân Hậu, Phó Tổng Giám đốc VESCO cho hay.
Không chỉ TP.Vũng Tàu chịu áp lực bởi rác thải tăng nhanh, nhiều địa phương trong tỉnh cũng chung thực trạng này. Theo Sở TN-MT, trước đây, trên địa bàn tỉnh phát sinh 760 tấn CTRSH/ngày. Nhưng từ năm 2018 đến nay, khối lượng CTRSH phát sinh tại 7 huyện, thị xã, thành phố trên đất liền của tỉnh đã tăng lên 900-1.000 tấn/ngày. Riêng huyện Côn Đảo khối lượng CTRSH phát sinh tăng từ 15 tấn/ngày lên 22,5 tấn/ngày (tăng 37,5%).
Ngoài rác thải phát sinh hàng ngày, Bà Rịa-Vũng Tàu còn phải xử lý lượng lớn rác đại dương trôi dạt vào bờ. Trong ảnh: Rác đại dương ngập tràn khu vực Bãi Trước, TP.Vũng Tàu. |
Bà Lê Mộng Thúy, Trưởng Ban Quản lý Công trình công cộng huyện Côn Đảo cho biết, những ngày cao điểm du lịch lượng rác tăng lên khoảng 27-30 tấn/ngày. Toàn bộ lượng rác này được đưa về Bãi Nhát - bãi rác lộ thiên duy nhất trên địa bàn huyện để tập trung nhưng chưa có phương án xử lý. Bãi Nhát có tổng diện tích khoảng 3.800m2 nhưng đang phải chịu tải hơn 70.000 tấn rác suốt 30 năm qua.
Tháng 2/2022, lò đốt rác với công nghệ đốt đã khởi công với công suất khoảng 200 tấn/ngày. Dự kiến, khoảng 11 tháng sẽ xử lý hết lượng rác tại Bãi Nhát. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa đi vào hoạt động. “Bãi rác đã đầy nhưng lò đốt rác chưa hoạt động khiến công tác xử lý rác của huyện gặp nhiều khó khăn, áp lực”, bà Thúy nói.
Nhiều nguy cơ tác động môi trường
Tất cả lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh (trừ huyện Côn Đảo) hiện đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại Công ty TNHH Kbec Vina (khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ).
Theo đại diện Công ty TNHH Kbec Vina, mỗi ngày, công ty xử lý khoảng 1.000 tấn CTRSH. Dịp hè (từ tháng 6-8), trên địa bàn tỉnh tăng thêm khoảng 200 tấn CTRSH/ngày. Ngoài ra, các dịp lễ, Tết lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với ngày thường (khoảng 2.000-2.500 tấn/ngày). Trong khi đó, bãi chôn lấp số 1 của công ty (diện tích 5ha) đã lấp đầy. Bãi chôn lấp số 2 với diện tích hơn 7ha đã chôn lấp 55%. Hiện công ty đang thi công bãi chôn lấp số 3 với diện tích 5ha, với sức chứa khoảng 1,1 triệu tấn CTRSH.
Tuy nhiên, do sử dụng công nghệ chôn lấp nên khu xử lý chất thải tập trung này đã và đang phát sinh nhiều vấn đề về môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, phương pháp chôn lấp tạm thời hiện nay là đào một hố sâu khoảng 5-6m, lót bạt, sau đó phun chế phẩm vi sinh chống muỗi, chống ô nhiễm rồi lấp đất lên trên. Quy trình lạc hậu như vậy khiến CTRSH được xử lý rất chậm và nhiều nguy cơ tác động ngược trở lại môi trường, đời sống.
Sở Xây dựng dự báo, lượng CTRSH trên địa bàn tỉnh vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm 350 tấn/ngày chỉ sau một năm nữa. Và dự báo đến năm 2025, khối lượng trên phát sinh trên địa bàn tỉnh sẽ đạt khoảng 1.590 tấn/ngày. Do đó, bài toán về xử lý rác sinh hoạt tiếp tục căng thẳng. Và sẽ càng căng thẳng hơn vào những dịp lễ, Tết sắp tới.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: QUANG VŨ