Vì sao các đô thị ngày càng nhiều điểm ngập?

Thứ Năm, 12/10/2023, 19:57 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm gần đây, tình hình ngập nước tại đô thị trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phổ biến. Số lần, số điểm và thời gian ngập năm sau nhiều hơn năm trước.

Để chống ngập cho đô thị, các địa phương cần phải quản lý tình trạng san lấp, lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy của các kênh thoát nước. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Khoa học-Công nghệ Việt Nam thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh thoát nước chính của TP.Vũng Tàu.
Để chống ngập cho đô thị, các địa phương cần phải quản lý tình trạng san lấp, lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy của các kênh thoát nước. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Khoa học-Công nghệ Việt Nam thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh thoát nước chính của TP.Vũng Tàu.

Số điểm ngập tăng hơn gấp đôi

Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh hiện có 66 điểm ngập (tăng 34 điểm so với năm 2021) tại 8 huyện, thị, thành phố. Trong đó, TP.Vũng Tàu có nhiều điểm ngập nhất với 36 điểm (năm 2021, TP.Vũng Tàu có 19 điểm). TX.Phú Mỹ và TP.Bà Rịa đều có 7 điểm ngập.

Thời gian ngập kéo dài từ 30-120 phút. Tình trạng này không những ảnh hưởng xấu đến môi trường, đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân mà còn làm cho các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng và xuống cấp nhanh chóng.

Theo ông Khải Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên nhân khách quan của tình trạng ngập úng đô thị là do biến đổi khí hậu. Cụ thể, cường độ mưa lớn, thời gian mưa kéo dài kết hợp với triều cường dâng cao. Riêng trên địa bàn TP.Vũng Tàu, quãng đường để nước từ các hồ chứa (Võ Thị Sáu, Bàu Sen) xả ra nguồn tiếp nhận (cống ngăn triều Rạch Bà, Cửa Lấp) khá xa (khoảng 12km), làm giảm khả năng thoát nước.

Trong khi đó, các cửa xả cũ hướng ra biển hiện không được xả để bảo vệ bãi tắm. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa, các ao hồ dần dần thay thế bằng công trình xây dựng khác nên nước mưa không có chỗ để thoát. 

“3 yếu tố trên dẫn đến lượng nước mưa trút xuống mặt đất trong một trận mưa tăng lên và số trận mưa lớn trong năm cũng xuất hiện nhiều hơn. Mực nước biển dâng cao làm giảm độ dốc thủy lực từ hệ thống thoát nước ra biển gây nên tình trạng ngập úng cục bộ tại một số đô thị”, ông Bình nói.

Ngoài ra, ngập úng đô thị còn do nền đô thị chuyển từ mặt đất tự nhiên như: đất, cát, bãi cỏ, ao hồ, vũng trũng, khu vực hạ lưu thoát nước, giờ được san lấp chuyển sang các loại mặt phủ nhân tạo như: mái nhà, sân bãi lát gạch, bê tông, đường nhựa… Nước mưa trước đây tự thấm xuống đất là chính nay chuyển sang chảy tràn trên bề mặt, dồn ra đường, không thu, thoát kịp gây nên ngập.

Hiện nay, tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh đều đã có quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chuyên ngành thoát nước được phê duyệt, trong đó hệ thống thoát nước đã được tính toán để bảo đảm tiêu thoát nước với khoảng 1.300km cống thoát nước các loại. Tuy nhiên, 3 đô thị có tốc độ đô thị hóa cao là TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa và TX.Phú Mỹ, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, còn chắp vá, chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước.

 

Cần các giải pháp đồng bộ

Hệ thống thoát nước là công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, có vai trò quan trọng đối với đời sống, xã hội. Theo đó, hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh hầu hết tại các đô thị đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chuyên ngành thoát nước. Tuy nhiên, mới chỉ có dự án Thu gom, xử lý và thoát nước TP.Vũng Tàu (công suất 22.000m3/ngày, đêm) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2018. Các đô thị khác như TP.Bà Rịa, TX.Phú Mỹ và huyện Côn Đảo đang thi công xây dựng dự án thu gom, xử lý và thoát nước.

“Hệ thống thoát nước ở các trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn vẫn đang là hệ thống thoát nước chung, dùng cho thoát nước mưa và thoát nước thải. Chỉ một số khu vực mới xây dựng có hệ thống thoát nước riêng biệt”, ông Bình cho biết.

Với thực trạng và nguyên nhân như đã được phân tích, để chống ngập, các đô thị cần những giải pháp tổng thể và đồng bộ. Theo đó, Sở Xây dựng cho rằng, để thoát nước tốt, về phát triển đô thị phải bảo đảm tỷ lệ cây xanh, mặt nước của đô thị từ khâu quy hoạch đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Đồng thời, phải tăng cường sử dụng các giải pháp thấm nước trên mặt bằng đô thị như: thảm cỏ, gạch lỗ, hạn chế bê tông hóa ở những diện tích không thực sự cần thiết; quản lý chặt chẽ cao độ nền xây dựng theo quy hoạch; xử lý thoát nước cho khu vực dân cư có nền thấp, thường bị ngập nước. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quản lý chặt chẽ tình trạng lấn chiếm xây dựng nhà, san lấp làm giảm diện tích hồ và thu hẹp dòng chảy tuyến kênh thoát nước chính. 

“Trước mắt, các đô thị cần bổ sung các đoạn cống còn khuyết, các cửa xả để phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu, các tuyến thoát nước chính. Còn về lâu dài ngoài việc đầu tư hệ thống thoát nước thì việc nạo vét các kênh mương, yêu cầu các hộ dân tháo dỡ các công trình lấn chiếm hệ thống thoát nước, cải tạo hồ điều hòa, đầu tư xây dựng hoàn thiện dần tiến tới đồng bộ hệ thống thoát nước các đô thị … Thực hiện đồng bộ giải pháp đó mới có thể giúp các đô thị thoát khỏi tình trạng ngập úng”, ông Bình nói thêm.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.