Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Thứ Ba, 17/10/2023, 18:56 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tỉnh đã liên kết với người dân và DN sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mở ra hướng phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Ông Nguyễn Trọng Ngọc (phải), thôn Bàu Phượng (xã Châu Pha) cho biết, sau 30 ngày xuống giống, rau cải xanh cho thu hoạch 2,7 tấn/1 nhà màng, lợi nhuận thu về khoảng 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trọng Ngọc (phải), thôn Bàu Phượng, xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ cho biết, sau 30 ngày xuống giống, rau cải xanh cho thu hoạch 2,7 tấn/1 nhà màng, lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Thành lập vào tháng 6/2022, HTX Sản xuất nông nghiệp-Dịch vụ Châu Pha (xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ) có 15 thành viên, sản xuất rau củ quả các loại, sản lượng 1.600 tấn/năm. Trong đó, 8ha sản xuất rau trong nhà màng đã được cấp chứng nhận VietGAP. Hiện nay, HTX bao tiêu toàn bộ rau sau thu hoạch, với giá không thấp hơn 6.000 đồng/kg rau xanh. 

Ông Nguyễn Trọng Ngọc, ở thôn Bàu Phượng, xã Châu Pha cho biết, gia đình ông canh tác gần 4.000m2 rau ăn lá, trong đó có 2.000m2 nhà màng. Mỗi năm, ông trồng 8 vụ rau, chủ yếu là cải xanh, năng suất đạt khoảng 2,5 tấn/1.000m2, đầu ra ổn định nhờ HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Ngọc thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. 

Ông Nguyễn Viết Tự, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp-Dịch vụ Châu Pha cho hay, trước đây nông dân trên địa bàn xã trồng rau phải tự lo tìm đầu ra thì nay đã yên tâm sản xuất. Sản phẩm được HTX bao tiêu toàn bộ.

11 thành viên đến từ các xã Xà Bang, Bình Giã, Sơn Bình (huyện Châu Đức) và xã Sông Xoài (TX.Phú Mỹ) của HTX Ca cao Châu Đức đang canh tác khoảng 100ha ca cao, năng suất bình quân từ 6-10 tấn ca cao tươi/ha/năm. Nguyên liệu sơ chế từ hạt ca cao của HTX được Công ty CP Sôcôla Marou (TP.Hồ Chí Minh) và Công ty CP Binon Cacao thu mua.

Với 4 sào ca cao 3 năm tuổi trồng xen trong vườn điều, năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thảo (ở ấp Vĩnh An, xã Bình Giã) thu hoạch khoảng 3 tấn. “Đầu tháng 7 vừa qua, được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 500 cây ca cao giống, tôi đã trồng thêm 5.000m2 ca cao. Dự kiến sau 3 năm, ca cao sẽ cho thu hoạch trái lứa đầu. Việc tham gia HTX đã giúp gia đình tôi yên tâm sản xuất, không lo bị thương lái ép giá”, bà Thảo nói.

Ông Lê Ngọc Cần, Giám đốc HTX Ca cao Châu Đức cho biết, để sản phẩm đạt chất lượng, HTX đã tập huấn quy trình chăm sóc cây ca cao theo hướng hữu cơ, đồng thời làm cầu nối hỗ trợ các thành viên cây giống, mua vật tư, phân bón và bao tiêu nông sản cho các hộ liên kết trồng ca cao. 

Ông Lê Ngọc Cần, Giám đốc HTX Ca cao Châu Đức thăm vườn ca cao  của thành viên HTX, kịp thời hỗ trợ chăm sóc, thu hoạch ca cao.
Ông Lê Ngọc Cần, Giám đốc HTX Ca cao Châu Đức thăm vườn ca cao của thành viên HTX, kịp thời hỗ trợ chăm sóc, thu hoạch ca cao.

Hỗ trợ HTX phát triển bền vững

Với vai trò là cầu nối hỗ trợ HTX và các thành viên, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, xây dựng mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Đến nay, toàn tỉnh có gần 20 HTX tham gia dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm theo Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, theo Liên minh HTX tỉnh, hạn chế hiện nay là quy mô sản xuất của các HTX còn nhỏ, thiếu vốn đầu tư phát triển. Nhiều mặt hàng nông sản chưa được công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm không ổn định. Đây là những yếu tố khiến cho vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm của các HTX còn khó khăn và chưa được thiết lập chắc chắn.  

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Ngọc Thương, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các HTX phải phát huy nội lực, tăng cường đầu tư khoa học, công nghệ vào sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Các HTX cần xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với những mặt hàng, cụ thể về số lượng, chất lượng, thời gian, địa điểm cung cấp nhằm tạo thuận lợi trong quá trình xúc tiến thương mại.

Liên minh HTX tỉnh cũng đã giải ngân cho 2 HTX nông nghiệp công nghệ cao Lá Xanh và HTX Nông nghiệp Thái Dương với số tiền 1 tỷ đồng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX kiểu mới làm nòng cốt kết nối, liên kết các HTX khác, hình thành mô hình HTX liên xã, liên huyện, liên vùng.

Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung củng cố, nâng cao năng lực quản lý cho các HTX; tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp vay vốn có hỗ trợ lãi suất; tư vấn, hướng dẫn HTX tham gia dự án liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để tiếp cận chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh.

“Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 190 HTX và 1 liên hiệp HTX; xây dựng khoảng 50 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp liên kết sản xuất với DN theo chuỗi giá trị với sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng của địa phương”, ông Nguyễn Ngọc Thương nói thêm.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

 
;
.