Nhiều sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của huyện Châu Đức đã được đầu tư nâng cao chất lượng, đạt các tiêu chuẩn về ATVSTP, có thương hiệu... để vươn xa thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như hướng tới xuất khẩu.
Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản tham quan sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Nấm sinh học Việt Nam (Vinabiomush) tại điểm trưng bày Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Châu Đức. |
Sản xuất đạt chuẩn
Là đơn vị tiên phong trên địa bàn huyện áp dụng chuẩn VietGAP trong quy trình trồng và chế biến các sản phẩm từ hạt ca cao, đến nay Công ty TNHH TM-DV-SX Ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang) đã xây dựng được 3 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm: Bột ca cao nguyên chất hữu cơ, trà vỏ ca cao hữu cơ và sô cô la đen hữu cơ 72%. Bên cạnh không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, Công ty Thành Đạt còn nỗ lực liên kết với các địa phương, nông hộ trong và ngoài huyện phát triển vùng nguyên liệu ca cao và thu mua sản phẩm.
Nhân viên Công ty TNHH Thanh Thanh Solar Energy kiểm tra sự tăng trưởng nấm linh chi mỗi ngày. |
Theo ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV-SX Ca cao Thành Đạt, sắp tới công ty tiếp tục đầu tư, nâng cấp dây chuyền sơ chế biến; kiểm tra chặt chẽ quy trình sản xuất từ khâu lựa quả, tách vỏ cho đến lên men, phơi, rang hạt; nâng cao chất lượng và mẫu mã của sản phẩm để đáp ứng thị trường lớn.
Cũng nỗ lực trong việc xây dựng các sản phẩm nấm linh chi đạt chuẩn OCOP, ông Nguyễn Huy Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thanh Solar Energy (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba) đầu tư quy trình khép kín từ khâu sản xuất phôi, trồng nấm linh chi dược liệu theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ. Đến nay, cơ sở đã có 1 sản phẩm nấm linh chi được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Thương hiệu nấm linh chi Thanh Thanh Mushroom đã được giới thiệu và phân phối rộng khắp trên thị trường cả nước.
Dự kiến cuối năm 2023, Công ty TNHH Thanh Thanh Solar Energy sẽ có thêm sản phẩm “bào tử nấm linh chi” đạt OCOP 4 sao; đồng thời liên kết và mở rộng quy mô trồng sản xuất nấm linh chi dược liệu, nấm bào ngư trên địa bàn huyện, tận dụng và giải quyết được nguồn lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân.
Hỗ trợ phát triển thị trường
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2023-2025, huyện Châu Đức đã xây dựng được 31 sản phẩm OCOP và 18 sản phẩm đặc trưng của 19 doanh nghiệp, HTX, nông hộ trên địa bàn huyện. Nhờ chú trọng chất lượng, các sản phẩm OCOP của huyện Châu Đức đang dần tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh, đồng thời xuất khẩu.
Bước chuyển biến đáng ghi nhận nhất là bên cạnh đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp, HTX đã có sự quan tâm đúng mức về xây dựng nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm…
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, huyện đã chú trọng hỗ trợ cho các chủ thể sản phẩm OCOP như hỗ trợ xây dựng 3 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại xã Bình Ba, Suối Rao và TT.Ngãi Giao, hỗ trợ kinh phí khi các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP, tổ chức hội chợ nông sản…
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP trên những sản phẩm chủ lực của huyện như hồ tiêu, hạt điều, mật ong, ca cao, cây ăn quả… Mục tiêu hướng đến hết năm 2025, huyện có từ 50 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Theo đó, huyện ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là HTX, DN nhỏ và vừa, đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, phấn đấu có ít nhất 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
“Song song đó, huyện tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành của tỉnh hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các cơ sở, cá nhân đủ điều kiện, hỗ trợ chứng nhận vùng sản xuất đạt VietGAP, hỗ trợ cây - con giống; tăng cường công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tấn Bản nói thêm.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG