Hội thảo khoa học vùng Đông Nam Bộ với việc triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị
Chiều 18/10, tại tỉnh Bình Phước, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức hội thảo khoa học “Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ với việc triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu định hướng tại hội thảo. |
Chủ trì hội thảo có: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II.
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam Bộ, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh.
Thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23-11-2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24, hội thảo lần này là dịp để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên, các nhà hoạch định chính sách trao đổi thảo luận, chia sẻ kết quả nghiên cứu, cũng như đề xuất các khuyến nghị xây dựng chính sách, giải pháp chiến lược để phát triển vùng Đông Nam Bộ một cách toàn diện.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Tập trung thảo luận 6 nội dung kết nối trọng tâm
Phát biểu chào mừng và định hướng tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Vùng Đông Nam Bộ là vùng động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất của cả nước, nằm ở vị trí địa chiến lược và địa kinh tế rất quan trọng của khu vực Đông Nam Á, Tiểu vùng sông Mêkông và Việt Nam; là cửa ngõ ra biển Đông của nước ta, có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
Đông Nam Bộ tiếp giáp và là cầu nối của 3 vùng, tiểu vùng kinh tế - xã hội khác là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có thể kết nối thuận tiện trong nước, quốc tế bằng cả 5 phương thức vận tải. Vùng có tài nguyên biển phong phú, đặc biệt là nguồn tài nguyên chiến lược dầu mỏ; có nguồn nhân lực dồi dào, con người cần cù, đổi mới, sáng tạo, có tinh thần doanh nhân vượt trội; tài nguyên nhân văn phong phú; truyền thống cách mạng, kiên cường, trung dũng.
Với 5 quan điểm phát triển, đề ra tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030 cùng với một số chỉ tiêu cụ thể, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được cụ thể hóa thêm một bước trong Chương trình hành động của Chính phủ mang tinh thần "Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới" như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 24 thực sự là chìa khóa, là động lực mới để vùng Đông Nam Bộ, với tất cả tiềm năng to lớn và sự năng động phát triển của mình cất cánh vươn lên trong thời gian tới. Đặc biệt, Nghị quyết số 24 một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán: Muốn liên kết vùng thành công phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương; quán triệt sâu sắc nguyên tắc “cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng”, “cả nước vì vùng, vùng vì cả nước”; giúp các địa phương trong vùng tận dụng tốt vị trí kết nối, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển.
Gợi mở một số nội dung để các nhà khoa học góp ý, thảo luận, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh 6 nội dung kết nối trọng tâm trong hợp tác - phát triển vùng Đông Nam Bộ như: Kết nối hạ tầng phát triển vùng; Kết nối thể chế phát triển vùng; Kết nối về thị trường và doanh nghiệp; Kết nối nguồn nhân lực và tri thức; Kết nối phát triển kinh tế - xã hội - con người, giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Trong đó kết nối hạ tầng phát triển vùng là hết sức quan trọng, đây là điểm nghẽn cần khơi thông đầu tiên để tạo ra đột phá phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước nhấn mạnh: Đông Nam Bộ có đóng góp to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động cả nước. Với khát vọng đưa Đông Nam Bộ trở thành động lực tăng trưởng lớn nhất của cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sau 1 năm triển khai đưa nghị quyết vào thực tiễn, tình hình kinh tế, xã hội của vùng đã có nhiều khởi sắc, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Đối với Bình Phước, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 24 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Hội thảo lần này nhằm cung cấp các luận cứ khoa học, là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ bài học quý báu. Đây được xem là tư liệu tốt để các địa phương trong vùng, trong đó có Bình Phước khơi nguồn cảm hứng thúc đẩy sự phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường |
Nhiều kiến nghị, đề xuất
Tham gia góp ý, thảo luận tại hội thảo, Tiến sĩ Võ Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Khu vực II, cho rằng: Để Nghị quyết số 24 được triển khai hiệu quả hơn nữa, thời gian tới cần nâng cao nhận thức của bộ máy quản lý nhà nước về liên kết vùng nhằm tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng; hoàn thiện cơ chế, chính sách hoạt động đặc biệt bảo đảm vùng Đông Nam Bộ phát triển thuận lợi.
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương tham dự. |
“Mặc dù Đảng và Nhà nước không ngừng hoàn thiện, cụ thể hóa các định hướng, ưu tiên, chính sách thúc đẩy liên kết vùng và hoàn thiện thể chế liên kết vùng cho cả nước nói chung và cho vùng Đông Nam Bộ nói riêng nhưng sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng vẫn còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ”, Tiến sĩ Võ Hữu Phước nhấn mạnh.
Các chuyên gia, nhà quản lý tham gia phát biểu tham luận tại hội thảo. |
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tổng kết hội thảo. |
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Võ Hữu Phước còn cho rằng tập trung xây dựng quy hoạch phát triển vùng bao gồm các cụm phát triển, hành lang phát triển và cụm đô thị nối kết với nhau. Cần rà soát các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng để phân bổ lại lực lượng sản xuất theo hướng ưu tiên khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; quy hoạch ngành đơn lẻ phải tuân thủ quy hoạch tổng thể của vùng, tránh gây lãng phí, chồng chéo giữa các quy hoạch.
Hội thảo cũng đã nhận được 2 bài tham luận, 12 ý kiến phát biểu, cùng với nhiều kiến nghị, đề xuất, giải pháp để liên kết phát triển vùng trên tinh thần Nghị quyết số 24.
(Theo Báo Bình Phước)