Từ lâu, các DN Nhật Bản luôn là đối tác chiến lược, đóng góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế-xã hội của tỉnh. Bà Rịa-Vũng Tàu được dự báo tiếp tục trở thành “bến đỗ” lý tưởng và tỉnh cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho các nhà đầu tư từ đất nước mặt trời mọc.
Công nhân Công Ty TNHH Nitori Bà Rịa - Vũng Tàu (KCN Phú Mỹ 3) trong giờ sản xuất. |
Hành trình nhiều mốc son
Tập đoàn Kyoei là một trong những DN Nhật Bản đầu tiên đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 1994, nhận thấy tiềm năng của tỉnh, DN đã hợp tác với các đối tác thành lập Công ty TNHH Thép Vina Kyoei tại KCN Phú Mỹ I. Đến nay, liên doanh này đã 9 lần điều chỉnh, tăng tổng vốn đầu tư của dự án lên gần 70 triệu USD. Riêng trong năm 2022, Công ty Thép Vina Kyoei nộp ngân sách 1,3 triệu USD.
Theo ông Yasuyuki Hirotomi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kyoei, DN cũng là một trong những nhà đầu tư liên doanh với một số DN Việt Nam và Nhật Bản thành lập Công ty TNHH Cảng quốc tế Thị Vải để thực hiện dự án cảng Thị Vải, tại TX. Phú Mỹ. Giai đoạn 1 dự án đã đưa vào hoạt động từ năm 2018. Hiện nay, Công ty đang thực hiện các thủ tục tiếp theo để triển khai giai đoạn 2 dự án, biến cảng Thị Vải thành một cảng thương mại, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Cùng với Kyoei, các tập đoàn của Nhật Bản như Nippon Steel, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Asahi Glass, Marubeni đang hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu, làm tiền đề phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như tạo ra mối liên hệ giữa các DN Bà Rịa-Vũng Tàu với quốc tế.
Theo Sở KH-ĐT, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 44 dự án FDI vốn đầu tư Nhật Bản với tổng đăng ký khoảng 3,8 tỷ USD. Trong số này có 38 dự án đã đi vào hoạt động và 6 dự án đang xây dựng hoặc thực hiện thủ tục, tập trung vào các ngành nghề: sản xuất thép, kính công nghiệp, hóa chất hiếm, khí công nghiệp, giấy bao bì, ren và gia công ống dầu khí, may mặc, cảng biển…
Ngoài trực tiếp đầu tư các dự án vào Bà Rịa-Vũng Tàu, Nhật Bản còn đóng góp vào sự phát triển của tỉnh bằng sự hỗ trợ về định hình phương hướng, mô hình lý tưởng. Điển hình là KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, TX.Phú Mỹ, hiện đang phát huy hiệu quả. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, thuộc chương trình Sáng kiến phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng và lợi thế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (PBEG) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất.
Đến nay, Phú Mỹ 3 đã và đang thu hút thành công được các dự án FDI chất lượng cao với quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường đến từ các quốc gia khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ… phù hợp với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc của tỉnh.
Chính quyền tỉnh luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với DN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai hiệu quả. Riêng với DN Nhật Bản, lãnh đạo UBND tỉnh có buổi làm việc định kỳ với Hiệp hội JCCH để giải quyết từng khó khăn, kiến nghị cụ thể của DN Nhật Bản tại Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Tiếp tục song hành
Mới đây, tại buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh với Tập đoàn Tokuyama, Tập đoàn này đã bày tỏ mong muốn đầu tư dự án nhà máy nghiền và làm sạch polysilicon tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX.Phú Mỹ) với tổng vốn đầu tư dự kiến 30 triệu USD, diện tích mặt đất sử dụng khoảng 5ha. Nhà máy sử dụng silicon kim loại làm nguyên liệu thô, sản xuất polysilicon đa tinh thể cho chất bán dẫn, pin mặt trời.
Theo ông Suzuki Takeshi, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tokuyama, lựa chọn Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư vì nhận thấy được những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi tại tỉnh.
Đây là một trong nhiều DN Nhật Bản nhận thấy tiềm năng và tiếp tục mong muốn đầu tư các dự án mới tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh nhận định, sự cởi mở của lãnh đạo, chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cộng thêm những dự án lớn về cơ sở hạ tầng liên kết vùng đang được triển khai tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, trong đó có các DN, tập đoàn của Nhật Bản.
Không chỉ kết nối chặt chẽ với DN, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tăng cường hợp tác với các địa phương của Nhật Bản. Tỉnh đã hợp tác với TP. Sanjo thực hiện các Dự án như Đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ về kim loại; Phát triển nguồn nhân lực cho các định chế hỗ trợ DNNVV.
Hiện 2 địa phương đang tiếp tục phối hợp triển khai Dự án hỗ trợ kinh doanh NNNVV trong khuôn khổ chương trình phổ cập, kiểm chứng, thương mại hóa dành cho DNNVV thông qua việc giới thiệu sản phẩm Việt Nam được sản xuất bởi Tsubame-Sanjo và thương hiệu Tsubame - Sanjo tại Việt Nam.
Một địa phương khác của Nhật Bản có sự kết nối chặt chẽ với Bà Rịa-Vũng Tàu là TP.Izumiotsu. Giữa năm 2023, thành phố thuộc tỉnh Osaka này đã có buổi làm việc với tỉnh nhằm xây dựng chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm với mục tiêu đầu tiên là nhập khẩu cacao, tiếp đến là gạo và các loại trái cây.
Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ tốt nhất cho các DN đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó có DN Nhật Bản. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh tiếp đoàn lãnh đạo Tập đoàn Kyoei, DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh từ rất sớm. |
Năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Đây là cơ hội tái khẳng định và phát triển mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước, hướng tới tương lai. “Với thời cơ lớn này, Bà Rịa–Vũng Tàu đã và đang chuẩn bị nhiều “hành trang” quan trọng để tiếp tục song hành với các DN, nhà đầu tư Nhật Bản. Trong đó, chú trọng đến hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đất đai, năng lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính... để cùng DN vượt qua thách thức, tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Bài, ảnh: QUANG VINH