Chủ động phòng dịch tả heo châu Phi
Tháng 9/2023, một ổ dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại huyện Châu Đức. Nhằm ngăn chặn dịch lây lan, cơ quan chức năng liên quan và người chăn nuôi đã triển khai các biện pháp phòng dịch.
Người nuôi heo tại huyện Châu Đức phun khử khuẩn chuồng trại. |
Tăng cường vệ sinh, khử khuẩn
Gia đình ông Đinh Thế Lương, ở ấp Nghi Lộc, xã Bình Giã, huyện Châu Đức đang nuôi 70 con heo, trong đó có 30 con heo nái, 40 con heo thịt. Công tác phòng dịch luôn được gia đình ông đặt lên hàng đầu. “Bình thường khu vực chuồng trại được gia đình tôi phun khử khuẩn 3 lần/tháng. Nay có thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện trở lại, hàng tuần, tôi đều mua hóa chất về phun khử khuẩn và dùng vôi bột rắc xung quanh chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn heo. Tôi cũng hạn chế người ra vào chuồng trại để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh”, ông Lương cho biết.
Ở các trang trại heo lớn, công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi càng được chú trọng, nhất là thời điểm chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Trang trại nuôi heo của hộ ông Ngô Văn Lành tại ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức đang nuôi khoảng 400 heo thịt, 100 heo nái và 200 heo vừa cai sữa. Trung bình mỗi tháng, trang trại xuất bán từ 150-200 heo thịt.
Ông Phan Công Luận, kỹ sư của trang trại cho biết, công tác tiêm phòng vắc xin cho heo được thực hiện đầy đủ và liên tục cho từng lứa. Ngoài ra, hệ thống chuồng trại được phun khử trùng, sát khuẩn thường xuyên 2-3 lần/tuần. Trang trại còn rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, lối ra vào, không cho người lạ ra vào chuồng trại. Người vào trang trại sẽ phải phun xịt khử trùng toàn thân, mặc đồ bảo hộ.
Không để dịch lây lan
Huyện Châu Đức là địa phương có tổng đàn heo nuôi lớn nhất tỉnh, với 160 ngàn con. Đây cũng là địa phương đầu tiên xuất hiện dịch tả heo châu Phi trở lại vào tháng 9/2023. Đến ngày 10/10, huyện tiếp tục phát hiện và ghi nhận 13 con heo chết nghi mắc bệnh bị vứt bỏ ở lô cao su Nông trường Bình Ba (xã Bình Ba). Chính quyền địa phương đã tiêu hủy số heo này. Qua rà soát, số heo chết nghi do mắc bệnh nêu trên có thể có nguồn gốc từ nơi khác mang đến.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, đối với ổ dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại địa phương, phòng đã phối hợp với Thú y huyện phun xịt, sát khuẩn cả khu vực thôn, ấp có ổ dịch. Đối với hộ chăn nuôi có heo bệnh, cơ quan chức năng đã hướng dẫn người chăn nuôi tách riêng đàn, theo dõi sức khỏe đàn heo, khi xuất hiện thêm heo bị bệnh phải báo ngay cho thú y và địa phương để xử lý và kiểm soát kịp thời.
“Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, địa phương và ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn huyện. Địa phương cũng khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Khi nhập heo giống từ nơi khác về, heo phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch động vật do cơ quan chức năng xác nhận”, ông Khởi nói.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tổng đàn heo toàn tỉnh hiện nay là hơn 398 ngàn con. Chi cục đã yêu cầu các trạm chăn nuôi và thú y huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành địa phương kiểm tra cơ sở chăn nuôi, giết mổ, điểm tập trung heo, nhằm sớm phát hiện trường hợp heo có biểu hiện bệnh dịch tả heo châu Phi và xử lý vi phạm theo quy định. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy trình kiểm soát giết mổ động vật, yêu cầu thú y viên thực hiện nghiêm việc kiểm tra thú sống trước khi nhập vào cơ sở giết mổ...
Các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông cần kiểm soát chặt chẽ tất cả gia súc, gia cầm nhập vào tỉnh; lập biên bản tạm giữ và báo ngay về chi cục các trường hợp vận chuyển heo trái phép và nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Song song đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng khẩn trương rà soát, chuẩn bị sẵn sàng vắc xin, vật tư, hóa chất phòng chống dịch và hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch dịch tả heo châu Phi khẩn cấp khi cần thiết.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU