.

Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý tổng hợp biển và hải đảo

Cập nhật: 18:07, 24/10/2023 (GMT+7)

Những năm qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) biển và hải đảo còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, BVMT biển và hải đảo là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khách du lịch tham gia thả rùa con về biển Côn Đảo, một trong những hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học nổi bật tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Khách du lịch tham gia thả rùa con về biển Côn Đảo, một trong những hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học nổi bật tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Phát biểu khai mạc hội thảo “Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo, đề xuất giải pháp hoàn thiện” diễn ra sáng 24/10, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong quá trình xây dựng, thực thi các chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo, có nhiều vấn đề phát sinh, vướng mắc cần khắc phục và thực hiện sửa đổi, bổ sung.

Một số quy định về phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quy hoạch phát triển bền vững tài nguyên vùng vờ, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, phân vùng rủi ro ô nhiễm biển còn chung chung; chưa có quy định cụ thể về BVMT biển do các nguồn ô nhiễm biển… Chính những vướng mắc đó đã khiến nhiều địa phương có biển gặp khó khăn trong quá trình quản lý, các DN bức xúc vì phải qua những quy trình thủ tục rườm rà, phải đóng các loại thuế phí không chính đáng.

Ông Lê Đức Bình, Trưởng phòng đối ngoại và quan hệ Cảng SSIT (TX.Phú Mỹ) phản ánh, hàng năm DN phải thực hiện việc duy tu, nạo vét trước bến và đổ thải. Theo quy định, khi DN thực hiện nạo vét duy tu trước bến thì tỉnh phải tìm bãi đổ trên bờ. Tuy nhiện, thực tế nhiều năm qua DN phải tìm bãi đổ ở các tỉnh lân cận. Quá trình tìm kiếm cực kỳ khó khăn.

“Theo tôi, việc cấp quyền khai thác khoáng sản từ hoạt động nạo vét trước bến, việc phải nộp thuế phí khai thác khoáng sản, thuế BVMT cho DN hoạt động trong lĩnh vực cảng biển chưa hợp lý vì chúng tôi không hề tận thu được gì từ vật chất sau nạo vét. Do đó, chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần xem xét sửa đổi các quy định phù hợp cho DN cảng”, ông Bình nói.

Theo phản ánh của các địa phương khu vực phía Nam, trong triển khai công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan tới thể chế chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập bởi nhiều quy định  bộc lộ hạn chế, dẫn đến việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển chưa cao.

Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật

Hội thảo cũng đã được nghe đại diện các đơn vị trình bày các thực trạng về việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về biển, hải đảo, cùng với đó là các đề xuất, giải pháp xây dựng và hoàn thiện.

Cụ thể trong đó tập trung vào những nội dung: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045; pháp luật về nghiên cứu khoa học, quản lý điều tra tài nguyên môi trường biển và hải đảo; các quy định về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng biển; chính sách pháp luật về BVMT biển; công tác hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; chính sách pháp luật về BVMT biển do rác thải nhựa…

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian qua, tỉnh đã luôn luôn tập trung, chủ động nghiên cứu triển khai thực hiện kịp thời các chính sách, pháp luật tài nguyên, BVMT biển đảo, pháp luật về giao khu vực biển, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Để việc thực thi pháp luật về biển, hải đảo đạt hiệu quả, tỉnh đề xuất kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nhiều nội dung. Trong đó, liên quan đến Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh đề xuất khi nộp hồ sơ đề nghị giao khu vực biển phải có “Bản sao văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Đồng thời, để giảm bớt thủ tục hành chính, nên giao khu vực biển cho địa phương quản lý, chỉ lấy ý kiến các bộ khi cần thiết hoặc có xung đột mâu thuẫn liên quan đến nhiều bên.

Ông Nguyễn Thanh Tùng đề nghị Phòng chính sách, pháp chế tổng hợp, cập nhật vào kế hoạch thực hiện chương trình công tác năm 2023 và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong thời gian tới. Từ đó, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo đảm bảo chất lượng và đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.