.

Vũng Tàu mở rộng phân loại rác tại nguồn - Kỳ 1: Hình thành thói quen cho người dân

Cập nhật: 18:30, 19/09/2023 (GMT+7)

Thôn 1, xã Long Sơn là địa phương đầu tiên thực hiện phân loại rác tại nguồn. Sau hơn một năm thực hiện, mô hình đã dần đi vào nề nếp, hình thành thói quen trong việc phân loại rác ngay từ bước đầu cho người dân.

Chị Võ Kim Hiếu (tổ 5, thôn 1, xã Long Sơn) sắp xếp lại phần rác tái chế để chuẩn bị đưa đến chương trình “đổi rác lấy quà” của mGreen.
Chị Võ Kim Hiếu (tổ 5, thôn 1, xã Long Sơn) sắp xếp lại phần rác tái chế để chuẩn bị đưa đến chương trình “đổi rác lấy quà” của mGreen.

ĐI VÀO NỀ NẾP

Kết thúc một ngày làm việc, chị Võ Kim Hiếu (tổ 5, thôn 1, xã Long Sơn) vội gom rác vào thùng. Trong mớ rác thải sinh hoạt hàng ngày, thay vì bỏ chung một giỏ rác như trước đây thì nay chị phân ra làm 3 loại. Chị cho những loại rác có thể tái chế như bìa, giấy, lon bia vào một giỏ riêng. Các loại rau sau khi nhặt nhạnh chị gom cho nhà hàng xóm ủ phân. Chị bỏ các loại rác còn lại vào giỏ mây, cứ hai ngày thì đưa ra cổng cho đơn vị thu gom rác đến lấy.

Chỉ vào đống bìa các tông, nhựa, sắt để ở một góc sân, chị Hiếu nói: “Đây là rác có khả năng tái chế mà tui đã phân loại sau 2 tháng. Đợi nhiều nhiều sẽ mang ra điểm đổi rác lấy quà của DN xã hội mGreen”.

Chị Nguyễn Thị Lùn (tổ 13, thôn 1, xã Long Sơn) ủ rác hữu cơ để làm phân bón.
Chị Nguyễn Thị Lùn (tổ 13, thôn 1, xã Long Sơn) ủ rác hữu cơ để làm phân bón.

Cách nhà chị Hiếu không xa, chị Nguyễn Thị Lùn (tổ 13, thôn 1, xã Long Sơn) sau khi đi chợ về cặm cụi chuẩn bị bữa trưa, rồi đưa những cành rau già, vỏ trứng, vỏ thơm… ra vườn. Chị mở cái chum tròn bỏ những loại rác hữu cơ này vào, nhấn xuống thật chặt và cho một gói chế phẩm men vi sinh rồi đậy nắp lại. “Tui thực hiện phân loại rác đã hơn một năm nay. Lợi ích lắm nghen! Xưa giờ nhặt rau xong là bỏ hết nhưng khi được xã hướng dẫn, tui ủ thành phân. Vừa sạch sẽ, bớt rác cho người thu gom lại vừa có phân hữu cơ để bón cho cây hoa màu trong vườn”, chị Lùn chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 1, xã Long Sơn, thôn có 745 hộ dân, đến nay 100% hộ đã đăng ký thực hiện phân loại rác tại nguồn. “Sau hơn một năm triển khai, với người dân thôn 1 xã Long Sơn việc phân loại rác tại nguồn đã trở thành thói quen hàng ngày. Mỗi hộ dân ở đây đều có 2-3 thùng rác. Đa số các hộ gia đình phân rác thành 2 loại cơ bản: rác tái chế và rác còn lại. Nhưng một số gia đình đã thực hiện phân ra làm 3 loại, nghĩa là ngoài 2 loại trên thì có thêm một thùng đựng rác hữu cơ”, bà Hằng nói.

Trước khi triển khai tại thôn 1, hai trường TH trên địa bàn xã Long Sơn đã thực hiện phân loại rác tại nguồn từ năm 2020.

Trường TH Long Sơn 2 hiện có 831 HS/28 lớp. Bước vào năm học 2023-2024, ngoài việc chuẩn bị dụng cụ dạy và học, nhà trường còn quan tâm đến việc đặt thùng rác phân loại tại các lớp và ở góc sân trường. Giờ ra chơi, phía dưới sân, các em HS gom rác bỏ vào thùng để phân loại. Chiếc thùng màu cam có dán nhãn “Rác tái chế” được các em bỏ vào các loại giấy loại, vỏ chai nước suối. Những thứ còn lại được bỏ vào thùng màu xanh “rác thông thường”.

Em Hồ Thị Thảo My, HS lớp 5.4, Trường TH Long Sơn 2 cho biết, thay vì bỏ rác vào chung một thùng như trước đây, các em được hướng dẫn phân loại rác rồi bỏ vào 2 thùng riêng biệt với 2 màu sắc khác nhau. Bìa các tông, giấy, báo, hộp nhựa, lon sắt bỏ vào thùng màu cam (rác tái chế). Các loại rác khác thì bỏ vào thùng màu xanh. “Đây là thói quen tốt đối với chúng em, được hình thành từ khi dự án “Phân loại rác tại nguồn hướng đến nền kinh tế tuần hoàn” triển khai tại trường”, Thảo My bày tỏ. 

Người dân xã Long Sơn tham gia đổi rác lấy quà.
Người dân xã Long Sơn tham gia đổi rác lấy quà.

TOÀN XÃ SẼ THỰC HIỆN PHÂN LOẠI

Theo ông Ngô Văn Quả, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, quá trình thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đến nay người dân thực hiện việc phân loại rác thải rất tốt. Đặc biệt, chương trình đã giúp người dân thấy rõ được lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn.

“Từ khi thực hiện phân loại rác, lượng rác phải thu gom để đưa về Công ty TNHH Kbec Vina xử lý ít hơn, người đi thu gom rác đỡ vất vả. Đặc biệt, từ ngày địa phương triển khai mô hình, xã Long Sơn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, mọi người ai cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên từ rác thải”, ông Quả nhận định.

Thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn, từ ngày 5/6/2022 đến nay, LSP đã hỗ trợ xã Long Sơn 350 thùng phân loại rác tại gia đình và nơi sinh hoạt của công cộng. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đối với việc phân loại rác thải để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Triển khai hoạt động đổi rác lấy quà trên điện thoại (Green Day) với 511 lượt người tham gia. Đã có 4.330kg rác tái chế thu gom (trong đó giấy 39%; nhựa 20%; kim loại 41%), 3.000 món quà, 50 triệu đồng tiền mặt được trao đổi.

Ngoài ra, LSP đã triển khai tập huấn và cung cấp chế phẩm, phương tiện xử lý rác hữu cơ cho tại thôn 1 cho 11 hộ gia đình; 72 hộ dân với 288 lượt giao dịch đổi rác nhận quà trên ứng dụng Smartcity mGreen, chiếm 56% lượt cư dân tham gia Green Day.

Sau khi thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn thành công tại thôn 1, từ tháng 2/2023, xã Long Sơn đã triển khai công tác phân loại rác thải và giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy trên địa bàn toàn xã. Mục tiêu của kế hoạch này là để cư dân trên địa bàn xã thực hiện phân loại rác; phấn đấu khối lượng rác thải tái chế được thu hồi đạt tỷ lệ 80-90%.

Để đạt được kết quả này, xã Long Sơn đã phối hợp với Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) và DN xã hội mGreen hướng dẫn người dân cách phân loại rác; phương thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo từng loại; kêu gọi, vận động nhân dân và các tổ chức tham gia công tác phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, huy động các nguồn lực tại địa phương để triển khai nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn hướng đến nền kinh tế tuần hoàn có hiệu quả… Đến nay, phong trào phân loại rác tại nguồn được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia.

Ông Ngô Văn Quả thông tin thêm, trung bình mỗi ngày trên địa bàn xã Long Sơn phát sinh khoảng 5,1 tấn rác thải. Hiện đã có 2.117 hộ/4.200 hộ (đăng ký thu gom) trên địa bàn xã thực hiện phân loại rác tại nguồn đạt 50,4%. “Thời gian tới, các đoàn thể, mặt trận địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân với phương châm "mưa dầm thấm lâu" để tạo chuyển biến dần trong nhân dân về công tác này, bảo đảm môi trường sống trong lành, góp phần xây dựng xã Long Sơn trở thành nơi đáng sống, thành địa phương đi đầu trong thực hiện phân loại rác tại nguồn”, ông Quả nói.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 

.
.
.