Kỳ vọng mới từ phát triển cảng cạn
Bộ GT-VT vừa có quyết định công bố mở cảng cạn Phú Mỹ (giai đoạn 1) tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX.Phú Mỹ). Cảng cạn Phú Mỹ khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả khai thác cảng biển.
Toàn cảnh dự án Cảng cạn Phú Mỹ. |
Nhu cầu cấp thiết
Đánh giá từ các chuyên gia cảng biển cho thấy, thời gian qua hệ thống cảng cạn tại khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên các DN làm hàng xuất nhập khẩu phụ thuộc rất nhiều vào các cảng ở khu vực TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Đây cũng là một trong những lý do để sản lượng hàng hóa thông qua cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) chưa đạt như kỳ vọng. Từ thực tế này, việc thúc đẩy đầu tư hệ thống cảng cạn tại Bà Rịa-Vũng Tàu là rất cần thiết.
Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng cạn Phú Mỹ. |
Theo bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, tính riêng tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu/trung chuyển nội địa hàng năm của các nhà máy trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 khi đi vào hoạt động từ năm 2025-2026 đã lên đến hơn 1 triệu TEU hàng container và 260 ngàn tấn hàng tổng hợp. Đặc biệt, tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 hiện đã có nhiều nhà đầu tư với lượng hàng hóa rất lớn đạt gần 500 ngàn TEU/năm khi hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, tỷ trọng sử dụng cảng nước sâu CM-TV còn thấp với chỉ khoảng 50-60% dù các DN mong muốn sử dụng 100% dịch vụ xuất nhập khẩu tại đây. Nguyên nhân chính là thiếu hệ sinh thái dịch vụ hậu cần cảng, các Cảng cạn, ICD, depot container rỗng, cũng như còn ít các tuyến tàu Nội Á vào làm hàng. Đây là vấn đề mà các DN nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong điều phối hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lãng phí về thời gian, chi phí.
Thống kê từ ngành hải quan cũng cho thấy, hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đi các thị trường Nội Á với khoảng 500 ngàn TEU/năm có cảng đến-đi là tại các cảng khu vực Cát Lái. Trong khi đó, cảng CM-TV mặc dù là cảng nước sâu có thể đón tàu trên 200 ngàn tấn vào làm hàng nhưng phần lớn chỉ có các tàu đi thẳng Hoa Kỳ và Châu Âu, rất ít các hàng tàu đi nội Á do phần lớn các tàu trung chuyển vẫn chủ yếu làm hàng tại cảng Cát Lái.
Từ thực tế đó, Cảng cạn Phú Mỹ được đầu tư với mục tiêu phục vụ nhu cầu của các khách hàng trong KCN và khu vực CM-TV. Đây là Cảng cạn đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với đầy đủ hệ thống hạ tầng cầu cảng, kho bãi, depot container rỗng, trang thiết bị khai thác hiện đại... cung cấp các giải pháp logistics toàn diện, trọn gói, đa phương thức. Các DN có thể thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ và tận dụng chính sách ưu đãi miễn lưu bãi dài. Việc này không chỉ hỗ trợ giải phóng hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm tối đa chi phí logistics, chi phí sản xuất cho các khách hàng mà còn góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác của cảng nước sâu, phát triển chuỗi giá trị công nghiệp-cảng biển.
Bên cạnh đó, Cảng cạn Phú Mỹ có khả năng kết nối đường thủy tới các cảng biển, ICD trong khu vực cũng như các vùng cung ứng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cả nước về KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3; giúp các nhà đầu tư, chủ hàng vận chuyển nguyên vật liệu-sản phẩm thuận tiện với giải pháp tối ưu nhất về chi phí.
"Hiện DN đang làm thủ tục xin lập địa điểm thông quan hàng hóa tại KCN để phát huy vai trò của cảng cạn. Dự kiến cuối tháng 10/2023 cảng sẽ chính thức đi vào hoạt động", bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ cho biết thêm.
Đủ điều kiện để đầu tư cảng cạn
Theo quy định, để hình thành cảng cạn phải bảo đảm các tiêu chí chính là có khối lượng hàng xuất, nhập khẩu bằng container trên 50 ngàn TEU/năm; gắn với hành lang vận tải chính tới cảng biển và kinh tế vùng; phải được kết nối với cảng biển ít nhất 2 phương thức vận tải. Với những tiêu chí trên, Bà Rịa-Vũng Tàu bảo đảm đầy đủ các tiêu chí, CM-TV được đánh giá là hội tụ các điều kiện để đầu tư cảng cạn. Lượng hàng container thông qua cảng năm 2022 là 5,4 triệu TEU, đến năm 2030 dự báo đạt 12,8 triệu TEU. Trong 5 năm tới, CM-TV sẽ hội tụ đủ tất cả các phương thức vận tải là đường bộ, đường hàng hải, đường thủy, đường sắt và đường hàng không.
Cảng cạn Phú Mỹ có diện tích 37,8ha gồm 6 bến cảng cung cấp các dịch vụ logistics toàn diện, trọn gói, đa phương thức như chuyển tải, lưu kho, lưu bãi, xếp dỡ, thông quan hàng hóa… với đầy đủ hệ thống hạ tầng cầu cảng, kho bãi, depot container rỗng, trang thiết bị khai thác hiện đại. Theo quyết định của Bộ GT-VT, cảng cạn Phú Mỹ có năng lực thông qua khoảng 300-400.000 tấn/năm. |
Từ thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bộ GT-VT đề xuất quy hoạch 101 cảng cạn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 tại 19 hành lang vận tải ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Cụ thể, đến năm 2030, sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu). Trong số 10 dự án cảng cạn được ưu tiên đầu tư giai đoạn này Bà Rịa-Vũng Tàu có 2 dự án cảng cạn gồm Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ III) và Phước Hòa (KCN Cái Mép).
Theo ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT, việc phát triển hệ thống cảng cạn để tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của từng khu vực và các hành lang kinh tế. Đồng thời, kết hợp vừa phát triển cảng cạn gần cảng biển để hỗ trợ trực tiếp vừa phát triển cảng cạn xa cảng biển gắn liền với các trung tâm phân phối tiêu thụ hàng hóa, các cửa khẩu đường bộ, đường sắt để tổ chức tốt mạng lưới vận tải, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN