.

Trong khó khăn, càng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư

Cập nhật: 18:18, 26/09/2023 (GMT+7)

Năm 2023, thu hút đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu gặp khó khăn, dự báo không hoàn thành kế hoạch đề ra. Hiện nay, tỉnh vừa quyết liệt thực hiện các giải pháp ngắn hạn, cũng như đề ra chiến lược dài hạn nhằm tạo môi trường kinh doanh có hấp lực, nhưng vẫn kiên định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc.  

Nhà máy chế tạo cơ khí và kết cấu thép Vard Vũng Tàu là một trong những dự án được cấp phép đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2023.
Nhà máy chế tạo cơ khí và kết cấu thép Vard Vũng Tàu là một trong những dự án được cấp phép đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2023.

Thu hút đầu tư khó đạt mục tiêu

Mới đây, Tập đoàn Trelleborg (Thụy Điển) đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký kết hợp tác với KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX. Phú Mỹ) về việc thuê lại lô đất 60.000m2 để xây dựng nhà máy tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 41,5 triệu USD. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành cuối năm 2025 và đi vào hoạt động năm 2026. Đây là một phần trong lộ trình chiến lược của Trelleborg nhằm mang lại sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn và nâng cao năng lực sản xuất.

Đây dự án của DN nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất vào tỉnh trong năm 2023. Tính đến tháng 8/2023, tỉnh thu hút thêm 12 dự án FDI với tổng số vốn 138,8 triệu USD, giảm 17,4 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, ở khối kinh tế này, đã có 19 dự án điều chỉnh tăng vốn hơn 421 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Nhờ đó, tình hình thu hút đầu tư vốn FDI cơ bản vẫn đạt được kỳ vọng.

Nhưng ở khối DN trong nước, việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn hơn. Trong 8 tháng, tỉnh chỉ thu hút thêm được 12 dự án, giảm 19 dự án so với năm 2022. Số vốn đăng ký chỉ bằng 15% cùng kỳ, một con số rất thấp. 

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH-ĐT dự báo: “Ước thực hiện thu hút đầu tư năm 2023 của tỉnh chỉ khoảng 732 triệu USD và 15.400 tỷ đồng, đạt chưa tới 80% kế hoạch năm”.

Theo phân tích của Sở KH-ĐT, khó khăn trong thu hút đầu tư do nhiều nguyên nhân. Các xung đột chính trị trên thế giới, ảnh hưởng hậu dịch COVID-19 khiến  các DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên nguồn vốn đầu tư mới hạn hẹp. Cùng với đó, còn có các nguyên nhân như hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông chưa đồng bộ; tính chưa sẵn sàng về đất đai; tiến độ kêu gọi đầu tư các công trình trọng điểm; một số vướng mắc trong cơ chế như tính tiền thuê đất, quy định về thuê môi trường rừng của các dự án du lịch sinh thái…

KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều giải pháp để Bà Rịa-Vũng Tàu hấp dẫn doanh nghiệp

Trước những khó khăn trên, chính quyền Bà Rịa-Vũng Tàu đang thực hiện hàng loạt giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng hấp lực của tỉnh với các DN trong và ngoài nước.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Ngọc Linh, trong ngắn hạn, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất và kêu gọi nhà đầu tư theo quy định; xúc tiến, gặp gỡ trực tiếp để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ các nhà đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) triển khai dự án; xây dựng danh mục, kế hoạch kêu gọi đầu tư giai đoạn 2023-2025; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm…

Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: “Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, Ban quản lý các KCN, địa phương chuẩn bị sẵn sàng về đất đai, quy hoạch, hạ tầng, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hợp lý để thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư tốt nhất cho sự phát triển của tỉnh”.   

Quan trọng hơn nữa, chính quyền Bà Rịa-Vũng Tàu đang xây dựng tiền đề cho sự phát triển dài hơi, bền vững của tỉnh trong tương lai, trong đó, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là các tuyến giao thông kết nối là một nhiệm vụ trọng tâm. Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các dự án trọng điểm như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường 991B, cầu Phước An, hay đường 994 không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện, đồng bộ giao thông kết nối liên vùng, nội tỉnh, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn cho cả vùng Đông Nam bộ. Do đó, tỉnh luôn quyết liệt, phối hợp chặt chẽ và các bộ, ngành trung ương để cùng với chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ các dự án này.

Đồng thời, các dự án giao thông nội tỉnh cũng đang được đầu tư đồng bộ để trở thành “cánh tay nối dài”, qua đó, phát huy nội lực của các huyện, thị xã, thành phố theo định hướng của quy hoạch tỉnh trong tương lai. Khi đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ở vị trí đắc địa lại càng đắc địa hơn, tạo ra lợi thế và sức hút với các DN, nhà đầu tư tầm cỡ.

Không chỉ chú trọng xây dựng “hành lang” hạ tầng kỹ thuật, giao thông thuận lợi, tỉnh còn chú trọng tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất để thu hút nhà đầu tư. Năm 2022, lần đầu tiên Bà Rịa-Vũng Tàu lọt vào top 5 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất cả nước.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ tháng 4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt (Tổ 997). Từ đó đến nay, Tổ 997 luôn “sáng đèn” hàng tuần để xử lý khó khăn của DN, nhà đầu tư. Sau 5 tháng thành lập, Tổ 997 tiếp nhận và hoàn thành giải quyết 14 kiến nghị của DN, nhờ đó, nhiều dự án đã được tháo “nút thắt” để đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu.

Các nội dung còn lại cũng liên tục được “mổ xẻ” và để nhanh chóng tìm ra phương án giải quyết trong thời gian ngắn sắp tới. Đây là minh chứng cho nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong việc tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất cho DN.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay, ngoài việc duy trì các chỉ số, phần việc đã làm tốt, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc khơi thông các điểm nghẽn trong cơ chế; tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư để tạo thuận lợi cho DN; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa các chỉ số như PCI, PAPI, PAR-index PCI ngày càng tốt hơn nữa. “Chính quyền Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ luôn nỗ lực đồng hành cùng DN với phương châm thành công của DN là thành công của chính quyền tỉnh nhà”, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.