Sau hơn 1 năm xây dựng Đề án “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai việc phân loại chất thải đến các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh.
Học sinh trường Tiểu học Long Sơn 2 (TP.Vũng Tàu) thực hiện phân loại rác tại nguồn. |
Vấn đề này cũng được chia sẻ, bàn giải pháp thực hiện tại hội thảo quản lý CTRSH, do Sở TN-MT tổ chức sáng 27/9.
Coi rác thải là tài nguyên
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, năm 2022, khối lượng CTRSH trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý trung bình khoảng 950 tấn/ngày, đến năm 2025 là 1.590 tấn/ngày. CTRSH tại địa phương hầu như chưa được phân loại hoặc phân loại nhưng chưa có giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp nên hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, từ ngày 31/12/2024 các hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH và không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định bị phạt tiền từ 500 ngàn-1 triệu đồng.
Sau hơn 1 năm triển khai xây dựng, ngày 22/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Quản lý chất thải rắn và phân loại CTRSH tại nguồn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030.
“Việc phân loại CTRSH tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng góp phần vào việc giải quyết những vấn đề môi trường do CTR gây ra. Cụ thể, phân loại các thành phần trong CTRSH thành những phần riêng biệt, có thể tái chế, tái sử dụng, thu gom được các loại chất thải nguy hại có lẫn trong CTRSH; thực hiện thu phí xử lý và bán nguyên liệu tái chế, cân bằng thu chi trong quản lý CTRSH, giảm bớt khối lượng chất CTRSH phải chôn lấp ở các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý bằng phương pháp đốt, góp phần giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, từng bước thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính trong quá trình xử lý chất thải”, ông Đặng Sơn Hải khẳng định.
PGS.TS.Phùng Chí Sỹ, Trung tâm Công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam)-Chủ nhiệm đề án cho biết, đề án được xây dựng trên quan điểm phù hợp với pháp luật bảo vệ môi trường, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đồng thời, CTRSH phải được quản lý theo hướng coi rác là tài nguyên, được phân loại và xử lý phù hợp… Phân loại CTRSH là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác.
“Hãy bắt đầu thực hiện việc phân loại rác từ việc mỗi hộ gia đình đều có túi đựng rác để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế riêng biệt. Từ đó, công tác thu gom, vận chuyển cũng phân loại ngay để xử lý. Khi đó, rác hữu cơ thì tái sản xuất thành phân bón, còn rác vô cơ sản xuất thành hạt nhựa hoặc có thể đốt để thu hồi nhiệt lượng…”, PGS.TS.Phùng Chí Sỹ nói.
Mục tiêu của Đề án “Quản lý CTRSH tại nguồn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là đến năm 2025, tỷ lệ CTRSH trên địa bàn tỉnh được phân loại đạt trên 30% và đạt 50% vào năm 2030. Các nhóm giải pháp đặt ra như: Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn; các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn; mở rộng mạng lưới thu gom chất thải rắn; thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn; phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt. |
Địa phương sẵn sàng vào cuộc
Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch riêng, sẵn sàng thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Chia sẻ kinh nghiệm phân loại CTRSH tại hội nghị, ông Phạm Quý Nhân, Phó Trưởng Phòng TN-MT huyện Châu Đức cho biết, mỗi ngày huyện Châu Đức phát sinh khoảng 91 tấn CTRSH, tương ứng với 33.215 tấn/năm. Trong đó, khối lượng rác sinh hoạt được thu gom, xử lý khoảng 78 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 85,71%.
“Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên toàn huyện, các xã đã chủ động phân loại CTRSH tại nguồn. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân giảm thải rác tại nguồn, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Qua rà soát, tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn trên địa bàn huyện Châu Đức hiện nay là 25%”, ông Nhân cho biết thêm.
TP.Vũng Tàu là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai việc phân loại CTRSH tại nguồn. Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm thành công tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu đã sẵn sàng nhân rộng mô hình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn toàn thành phố. Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Phạm Quốc Huy, Phó Trưởng Phòng TN-MT TP.Vũng Tàu cho hay, thành phố đã xây dựng kế hoạch phân loại rác thải nhựa và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2023-2024. Theo đó, thành phố sẽ cung cấp 1.200 thùng rác riêng biệt theo màu để các cơ quan thuộc hệ thống chính trị thành phố, trường học thực hiện.
Bài, ảnh: QUANG VŨ